“Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” tái hiện lại quãng thời gian Bác Hồ (khi đó tên là Nguyễn Tất Thành) đi từ Huế vô Nam, hành trình gian nan vượt đèo Cù Mông, Rù Rì, Đèo Cả và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh (tỉnh Phan Thiết) - trường học do những người yêu nước lập nên. Qua cuốn sách, độc giả sẽ cảm nhận rõ tâm tư, tình cảm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đất nước đang trong vòng nô lệ, trước nỗi đau đáu của cha “Nước mất! Nhà tan! Đi đi con. Tất Thành! Tất Thành…”
Và đặc biệt, cuốn sách tái hiện sinh động hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phương pháp dạy học truyền cảm hứng, khai mở cho các em học sinh những hiểu biết về lịch sử dân tộc, tình yêu Tổ quốc, hun đúc ý chí và rèn luyện nhiều kĩ năng trong cuộc sống.
Bìa cuốn sách “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”.
Giáo sư, Tiến sĩ sử học, NGƯT Mạch Quang Thắng chia sẻ: “Nhà văn Sơn Tùng viết bằng cái tâm sáng, nhiệt thành, ngòi bút đầy cảm xúc, có sức lay động tình nhân ái… Chỉ mấy chục trang viết thôi, nhưng quả thực, nhà văn Sơn Tùng đã tái hiện được quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác. Bác Hồ đi đây đi đó, làm việc này việc nọ, kể cả làm thầy giáo, có gì đặc biệt đâu - chắc có người nói thế. Nhưng, tôi thấy đặc biệt là ở chỗ, cuộc đời Bác Hồ là những chuỗi thời gian nối nhau của việc nuôi chí, rèn đức, luyện tài. Bác Hồ đã trải qua bao năm tháng hoạt động yêu nước, làm cách mạng để trở thành một người có đức dày, tâm lành, trí sáng, có tầm cao, có ý chí dời non lấp biển”.
Ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng đã viết theo lối móc xích nhau trong mối liên hệ gia đình - quê hương - đất nước. Đọng lại là những tháng ngày dạy học của thầy giáo Nguyễn Tất Thành - thầy dạy theo phương pháp tích cực, khai mở cho các em học sinh ý chí và kĩ năng cuộc sống, làm cho các em thành những người có ích cho xã hội. Bằng kiến văn sâu sắc, sự dày công tìm tòi, khảo cứu, và đặc biệt, bằng một tình cảm yêu kính vô bờ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại, nhà văn Sơn Tùng đã viết nên những tác phẩm sinh động về thời trẻ của Bác Hồ, giúp độc giả hiểu rõ thêm về gia đình, nguồn cội, bối cảnh xã hội đã hun đúc nên một nhân tài kiệt xuất của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
Cùng với các tác phẩm “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng”, truyện dài “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” sẽ giúp độc giả hiểu thêm về thời trẻ của Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự, suốt hơn ba mươi năm cầm súng, cầm bút, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết vào công việc ghi chép về thời niên thiếu của Bác Hồ. Ông đã tìm gặp anh chị của Bác Hồ và hỏi han được nhiều điều quý giá. Từ đó, ông lần theo đầu mối ấy đến những nơi Bác Hồ từng sống, học tập, dạy học, làm việc, gặp gỡ những người cùng thời với Bác để hỏi han với một thái độ, một trách nhiệm, một tình cảm như một người làm công tác khảo cổ học.
Cũng trong dịp này, độc giả có thể tìm đọc nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành: “Cha và con” (Hồ Phương), “Bác của chúng ta” (Bích Thuận), “Kể chuyện Bác Hồ” (nhiều tác giả), “Bác Hồ viết di chúc” và “Di chúc của Bác Hồ” (Hồi kí Vũ Kỳ, Thế Kỷ ghi), “Theo chân Bác” (thơ Tố Hữu, tranh Văn Thơ), bộ tranh truyện “Bác Hồ sống mãi”…