1. Tờ lịch cuối cùng năm 2023 gấp lại đánh dấu một năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội XIII đầy thử thách, biến đổi nhanh chóng, khó lường, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai tàn phá, tình hình xung đội trên thế giới và những yếu kém nội tại đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong năm qua, kinh tế nước ta tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; 9 tháng năm GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%; nông nghiệp tăng 3,38% so với cùng kỳ, tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; dịch vụ du lịch phát triển sôi động, tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài đã được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng tăng gần 5% với khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659km đường bộ cao tốc vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước...
Đến hết năm 2023, tăng trưởng GDP cả nước ước đạt trên 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất.
Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 3,5% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%); vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỷ USD, trong đó, xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả tốt.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân người lao động tăng 6,8% so với cùng kỳ; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn.
Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên. Ngành y tế tập trung xử lý, tháo gỡ một số vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20.
Tỏa sáng rạng ngời nối vòng tay lớn với bạn bè quốc tế qua các chuyến thăm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam, nâng cao vị thế Việt Nan như một cường quốc chính trị, thực hiện đường lối ngoại giao rộng mở, tất cả các nước đều là bạn.
Việt Nam sẵn sàng đón tiếp tất cả đến nhà vui vẻ trò chuyện, thảo luận, hoạch định chính sách, hợp tác phát triển hướng tới tương lai.
Phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tập trung hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
2. Thắng lợi trong năm 2023 là bàn đạp vươn tới trong năm 2024, dấu mốc quan trọng bản lề của nhiệm kỳ khóa XIII, trong bối cảnh đất nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Tuy vậy, trước mắt chúng ta sừng sững những thách thức cực kỳ nghiêm trọng, to lớn, thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, xung đột kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực phát triển kinh tế thế giới.
Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với không ít những hạn chế, yếu kém và nhiều khó khăn, mà để vượt qua và bảo vệ sự phát triển rực rỡ của đất nước thì không gì khác hơn là phải tiếp tục phát huy kết quả kinh nghiệm và bài học của 38 năm đổi mới, tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Vì vậy, trong năm 2024 - năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cần: Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Thứ nhất, tăng cường liên kết giữa các vùng, liên kết cả nước, liên kết trong nước và quốc tế.
Thứ hai, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như: Sản xuất chip, hydrogen, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, củng cố thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới, như: Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ. Tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội…
Tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn đầu tư, quyết liệt giải quyết vướng mắc, đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư. Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng.
Khai thác hiệu quả thị trường trong nước với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung - cầu trong nước...
Triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
3. Khát vọng dân giàu nước mạnh đã trở thành ý chí lớn của các thế hệ Việt Nam hôm nay. Đó là ngọn đuốc lay động nhận thức, cổ vũ tinh thần, khích lệ hành động các tầng lớp nhân dân tạo thành nguồn lực nội sinh của dân tộc.
Nguồn lực đã tạo nên sức mạnh của một quốc gia có uy tín, có sức thu hút và lan tỏa, vị trí tâm điểm hội tụ của những nền văn minh lớn, của những luồng giao lưu quan trọng, của những mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm.
Trong vị thế đó ẩn chứa những nguồn lực sung mãn mà mạnh mẽ nhất, quý báu nhất, quyết định nhất là con người Việt Nam cần cù, thông minh, bản lĩnh, quả cảm, năng động và giàu lòng nhân ái.
Những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đang giải phóng tiềm năng lao động, sáng tạo, sung mãn của con người Việt Nam. Đó là nguồn công năng lớn tạo nên sức bật nội lực của đất nước trong năm 2024, năm bản lề vượt ngưỡng khó khăn, vươn tới đích hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.
Sức bật nội lực của Việt Nam cần được huy động ở mức cao nhất để tạo ra một cơ chế giải phóng và phát huy được sức lao động sáng tạo tuyệt vời của con người Việt Nam.
Sức mạnh của nhân dân, tài năng của dân tộc, lợi thế của Việt Nam đang hòa quyện sắc thái thanh xuân, bừng lên sức trẻ khởi nghiệp, tạo nên sức bật quật khởi, đưa con tàu Việt Nam lao tới đích vinh quang phồn vinh hạnh phúc.
Trần Công Huyền