Theo ông Lê Mạnh Quân, BHXH quận Nam Từ Liêm hiện đang quản lý 7.068 đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH và hơn 213 ngàn người tham gia BHYT (bằng gần 89% dân số của quận)... Trong khi đó, đơn vị chỉ có 39 công chức, viên chức, nên luôn phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, do phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công chức, viên chức phải làm việc online tại nhà, nên đòi hỏi đơn vị càng phải cố gắng để công việc được thông suốt.
Quận Nam Từ Liêm gặp khó khăn trong phát triển BHXH, BHYT. Ảnh: Châu Anh
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đang gặp khó khăn. Do đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp liên tục phản ánh đến cơ quan BHXH về việc phải cắt giảm nhân lực, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, giãn công, giãn ca… dẫn đến phải báo giảm số lao động tham gia BHXH. Trong khi, việc khai thác đối tượng tham gia BHXH ở các doanh nghiệp mới lại càng khó, bởi thời điểm này, hầu như không có doanh nghiệp thành lập mới...
Trước tình hình trên, theo ông Lê Mạnh Quân, BHXH quận Nam Từ Liêm đã chọn giải pháp tập trung khai thác triệt để số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trong các doanh nghiệp. "Chỉ cần thêm một người tham gia BHXH là thêm một người được hưởng an sinh giữa mùa dịch bệnh" - ông Quân chia sẻ. Cũng theo ông Lê Mạnh Quân, với phương châm này, BHXH quận đã tăng cường phối hợp với Chi cục Thuế phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Khi đi đôn đốc thuế tại các doanh nghiệp, Chi cục Thuế sẽ kết hợp rà soát danh sách lao động trong các doanh nghiệp, để gửi cho BHXH quận đối chiếu. Trên cơ sở đó, BHXH quận sẽ tiếp cận doanh nghiệp để đôn đốc thu BHXH theo quy định.
Ông Lê Mạnh Quân cho biết thêm, trong quý I/2020, BHXH quận Nam Từ Liêm đã tiếp nhận hồ sơ tham gia BHXH của 4.500 người lao động thuộc Công ty CP Giao hàng tiết kiệm từ địa bàn khác chuyển đến, với số tiền đóng BHXH khoảng 6,7 tỷ đồng/tháng. “Số người lao động tham gia BHXH đông, nhưng số tăng giảm thường xuyên, nên càng tạo thêm áp lực cho cơ quan BHXH. Tuy nhiên, với tinh thần phục vụ, chúng tôi đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và giao dịch hồ sơ điện tử, nên luôn đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi chế độ cho người lao động và doanh nghiệp. Giữa mùa dịch này, giữ được số người tham gia BHXH cũng là giữ được người lao động cho doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội” - ông Quân chia sẻ.
Lần đầu được tham gia BHXH, anh Nguyễn Quốc C. - nhân viên Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm nói: "Trước làm lái xe taxi, nay do dịch bệnh ập đến nên tôi chuyển sang làm cho Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm. Thực hiện cách ly xã hội, đơn hàng mua bán online nhiều, nên tôi có việc làm, có thu nhập, lại còn được tham gia BHXH nên thấy yên tâm. Thủ tục đăng ký đóng BHXH cũng khá nhanh, không khó khăn như tôi tưởng”.
Người dân nên tham gia BHXH để được hưởng những chính sách an sinh khi hết tuổi lao động. Ảnh Xuân Quang
Trong khi đó, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong mùa dịch lại càng khó hơn. Bà Nguyễn Thị C, một tiểu thương trú tại phường Mễ Trì chia sẻ: “Trước tôi buôn bán ở chợ, mỗi tháng tiết kiệm vài trăm ngàn đồng đóng BHXH tự nguyện nhẹ tênh, coi như của để dành lúc về già. Nhưng, từ ngày dịch bệnh hoành hành, chợ phải đóng cửa. Nghỉ bán hàng, không có nguồn thu nhập, nên tôi đành xin dừng đóng BHXH”.
Theo một nhân viên đại lý thu BHXH, những trường hợp “bỏ cuộc” như bà C. không hiếm. Thời gian qua, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-UBND giao chỉ tiêu cho 10 phường, mỗi phường phải phát triển thêm 35 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2020. BHXH quận và Bưu điện đã tuyên truyền qua mạng xã hội, nhưng nếu không gặp gỡ, đối thoại thì người dân khó nắm bắt rõ chính sách, khó thuyết phục để tham gia. Cũng vì vậy, cả quý I/2020, toàn quận Nam Từ Liêm mới có thêm khoảng 70 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Châu Anh/GĐTE