Thói xấu khó loại bỏ
Nịnh bợ là một thói xấu của con người. Thói xấu này xuất hiện, tồn tại và phát triển từ lâu ở khắp mọi nơi. Nó có sức tàn phá rất ghê gớm, con người muốn chống lại, muốn loại bỏ nhưng vẫn chưa tìm ra được những biện pháp có hiệu quả. Kết quả là thói nịnh bợ vẫn tác oai, tác quái trong xã hội.
Xét về lịch sử, văn hóa, Việt Nam là quốc gia có môi trường khá thuận lợi cho thói nịnh bợ phát triển. Điều này do ảnh hưởng của truyền thống văn hóa làng xã: Người Việt thích sự đồng thuận, yên bình, thích “dĩ hòa, vi quý” nên sự nịnh hót len lỏi và “làm tổ” ở đây.
Xưa là vậy, còn nay, sự nịnh bợ nảy sinh từ những hoạt động thiếu dân chủ trong các cơ quan Nhà nước. Thực tế, nhân viên sợ thủ trưởng, cấp dưới sợ cấp trên diễn ra ở khắp mọi nơi. Điều này diễn ra vì những người thẳng thắn, thích phản biện không bao giờ được hưởng lợi lộc gì cả; thậm chí họ luôn luôn bị gây khó dễ, bị trù úm, bị “đày đọa”. Trong khi đó, những người chẳng có tài cán gì nhưng vì biết nịnh bợ nên phất lên như “diều gặp gió”.
Nịnh bợ là sự tàn phá ngọt ngào; trước hết, nó hủy hoại uy tín của con người, sau đó nó phá hoại cả bộ máy Nhà nước.
Có chống lại được thói nịnh bợ không?
Nhiều người cho rằng, rất khó chống lại thói nịnh bợ vì hiện nay nhiều cán bộ lãnh đạo thích được ca ngợi, thích được tâng bốc. Họ có quyền lực trong tay nên nhân viên không thể nào làm gì khác, ngoài việc lấy lòng lãnh đạo. Mà lấy lòng chính là nịnh bợ. Mà ngày nay, nịnh không chỉ dừng lại ở lời nói, mà nịnh đã được nâng lên ở một tầm cao mới: nịnh bằng vật chất, tiền bạc, danh hiệu, sự cung phụng người thân của lãnh đạo.
Nếu chúng ta thực sự quyết tâm chống nịnh bợ, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ mặt, điểm tên những người nịnh bợ được. Ví dụ, vụ việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón người nhà của lãnh đạo Bộ Công Thương gây bất bình trong dư luận. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, trong thư xin lỗi của Bộ trưởng vẫn chưa làm rõ ai là người có “sáng kiến” này? Việc này là biểu hiện rất rõ của sự nịnh. Nếu Văn phòng Bộ đưa ra sáng kiến này thì Văn phòng nịnh Bộ trưởng. Còn Bộ trưởng chỉ đạo Văn phòng làm việc này thì Bộ trưởng nịnh vợ. Sự việc rõ ràng vậy thôi.

Thư xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau vụ việc xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay đón người nhà của
ãnh đạo Bộ Công Thương gây bất bình trong dư luận.
Sự nịnh gây hại cực kỳ lớn. Người xưa đã cảnh báo rằng, “Tôn nịnh đại suy” - nghĩa là, để cho thói nịnh bợ phát triển, nguy cơ suy thoái lớn là không tránh khỏi, thậm chí nó đe dọa sự tồn vong của xã hội. Vì vậy, việc chống thói nịnh bợ là cần thiết và hiện nay đã ở mức độ bức thiết.
Nghè Nghệ/GĐTE