Khoảng năm 1994 - 1995, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số phương án kiểm soát khí thải xe máy. Hồi ấy, một số tiêu chí kỹ thuật cụ thể đã được đưa ra và thành phố cũng đã dự tính khoản ngân sách để đầu tư trang thiết bị đo khí thải đặt ở một số vị trí có đông người qua lại. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà sau đó lại không triển khai.
Gần đây nhất, cuối năm 2017, chính quyền TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương thu hồi xe máy cũ nát - lần này gọi là "xe cà tàng". Tiêu chí được đề xuất là căn cứ vào niên hạn đăng ký, sử dụng. Ví dụ ở Hà Nội, những xe đăng ký trước năm 2000 đều bị đưa vào "tầm ngắm"; còn cảnh sát giao thông tại TP. Hồ Chí Minh thường vận dụng khung xử phạt "xe lắp ráp trái quy định" theo Nghị định 46/2016 để tịch thu xe "cà tàng" được độ chế để lưu hành. Thế nhưng do thiếu các quy định cụ thể trong hệ thống luật nên chủ trương này cũng đành gác lại.
Và đến lần này, Bộ TN&MT tiếp tục đề nghị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường. Việc hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng người dân ở các thành phố lớn là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Vì thế, chủ trương này nhận được sự đồng tình của đa số người dân.
Tuy nhiên, để chủ trương có thể thực thi thì trước hết cần phải giải quyết 2 vấn đề cơ bản - vốn là những vướng mắc tồn đọng từ trước đến giờ. Đó là cơ sở pháp lý để xác định đối tượng (xe máy) thuộc diện phải thu hồi và vấn đề sinh kế cho người dân vì rất nhiều người nghèo đang phải sử dụng phương tiện là những chiếc xe cà tàng, cũ nát để mưu sinh.
Cơ sở pháp lý để thu hồi xe phải đảm bảo tính công bằng, tức là phải dựa trên các căn cứ khoa học, công nghệ, chứ không thể là các mệnh lệnh mang tính áp đặt, võ đoán. Muốn vậy thì phải thực hiện được việc kiểm định kỹ thuật đối với xe máy. Với số lượng xe máy đang lưu hành rất lớn, việc kiểm định xe máy là không đơn giản.
Với vấn đề sinh kế của người dân, Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp để những chủ xe cũ nát có phương tiện thay thế nhằm giúp họ tiếp tục mưu sinh bằng nghề cũ; hoặc cũng có thể đào tạo nghề để hướng họ sang các công việc khác phù hợp. Qua khảo sát thực tế, không khó để nhận thấy hầu hết người sử dụng xe cũ nát để mưu sinh đều là người nghèo, không có khả năng tự chuyển đổi phương tiện. Có nghĩa, cần phải tính tới phương án sử dụng một phần ngân sách Nhà nước để hỗ trợ chủ phương tiện bị thu hồi thay đổi phương tiện hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Chất lượng không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang xuống thấp đến mức báo động, trong đó có nguyên nhân từ khí thải của xe máy cũ. Vì thế, việc thu hồi xe máy cũ là việc cần phải làm. Nhưng để chủ trương này có thể thực hiện một cách trọn vẹn thì cần có một lộ trình phù hợp, với các điều kiện cần thiết để hài hòa lợi ích giữa các bên.