Tại “thủ phủ” sản xuất vàng mã cũng không còn cảnh tấp nập thương lái “đánh hàng” với số lượng lớn như trước đây.
“Thủ phủ vàng mã” ế ẩm
Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp lễ quan trọng đối với người Việt, vừa là lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, vừa là lễ xá tội vong nhân. Trên mâm cỗ cúng rằm, vàng mã là thứ không thể thiếu đối với nhiều gia đình. Đây là phong tục tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu.
Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người cố gắng thể hiện tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng và tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" được hưởng cuộc sống đầy đủ. Tuy nhiên, rằm tháng 7 năm nay, hoạt động sản xuất, mua bán vàng mã lại khá ế ẩm.

Tại làng Phúc Am, Thường Tín, Hà Nội chủ yếu sản xuất đồ phục vụ cúng tế như hình nhân, voi, ngựa… Vài năm trở lại đây, người làm nghề còn làm những mặt hàng như điện thoại, nhà lầu, hàng hiệu… bằng vàng mã để bắt kịp với thị hiếu người dân. Tuy nhiên, năm nay tình hình kinh doanh vàng mã khá ế ẩm, do sức mua giảm. Nhiều làng làm đồ vàng mã cũng gặp cảnh tương tự, lượng tiêu thụ chỉ bằng 50% năm ngoái.
Phường Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) không chỉ nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ mà còn được biết tới như “đại công xưởng" sản xuất vàng mã của miền Bắc năm nay cũng rơi vào cảnh đìu hiu.
Hầu hết gia đình tại Song Hồ đều làm nghề sản xuất vàng mã. Gia đình bà Nguyễn Thị Lam là một trong những hộ sản xuất lâu đời với gần 20 năm làm nghề, chuyên sản xuất mặt hàng bàn thờ, động vật, mặt người... với số lượng lớn.
Ngoài sản phẩm được làm theo lô, gia đình bà nhận làm sản phẩm “độc” có kích thước lớn. Giá của những mặt hàng này thường từ 150.000 đồng/sản phẩm trở lên, tùy độ khó và kích cỡ khách yêu cầu. Những năm trước, ngay từ tháng 5 âm lịch, thương lái các tỉnh đánh hàng rất đông. Nhưng năm nay lượng khách đến mua chỉ khoảng chục ngày trở lại đây và số lượng mua cũng giảm mạnh.
Trước đây, cứ đến tháng 7 âm lịch, phố Hàng Mã lại tấp nập kẻ mua người bán. Tuy nhiên, năm nay, số cửa hàng bán vàng mã ngày một ít, những cửa hàng còn sót lại đều chịu cảnh ế ẩm, đìu hiu. Một tiểu thương ở phố Hàng Mã cho biết: “Vài năm trở lại đây lượng người mua vàng mã giảm nhiều so với trước nên không dám nhập nhiều. Các cửa hàng chủ yếu bán đồ trang trí, tập trung nhập hàng chuẩn bị Tết Trung thu”.
Đừng lãng phí, mê muội
Ước tính mỗi năm, người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Quan niệm "trần sao âm vậy" khiến cho việc đốt vàng mã trở nên biến tướng, thái quá, mất an toàn phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường. Mỗi năm, riêng tại Hà Nội xảy ra hàng chục vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã.
Nhiều người hẳn vẫn chưa quên vụ 4 thanh niên tử vong tại một phòng trọ ở quận Đống Đa do ngạt khí sau khi hóa vàng mã tiễn ông Công ông Táo chầu trời cách đây mấy năm. Hay vụ cháy tại tầng 14 chung cư Golden City 6 ở TP Vinh (Nghệ An), cháy căn hộ ở chung cư Gold View (TPHCM)… đều xuất phát từ mồi lửa vàng mã.
Việc hóa vàng mã cũng là nguy cơ gây cháy nổ rất lớn cho các di tích, đình, đền, chùa…
Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, tết, lượng khách thập phương rất lớn. Hoạt động thắp hương, đốt vàng mã tăng cao và chỉ sơ suất nhỏ là có thể gây cháy lớn. Để thay đổi thói quen đốt nhiều vàng mã, bắt đầu từ năm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên truyền tới các phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người dân hạn chế đốt vàng mã, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan.
Chị Nguyễn Minh Hà (Âu Cơ, Hà Nội) cho biết, với quan niệm “trần sao âm vậy”, trước đây gia đình chị thường đốt khá nhiều vàng mã vào các dịp giỗ, tết, ông Công ông Táo, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7. Tuy nhiên, mấy năm gần đây gia đình đã hạn chế việc đốt vàng mã.
“Sau khi được giảng giải và tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc thì vào các dịp lễ, gia đình tôi không đốt vàng mã nhiều như trước”, chị Hà cho hay.
PGS,TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung cho rằng, đốt vàng mã là phong tục tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ lâu. Với quan niệm "trần sao âm vậy", nhiều người cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng và tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ.
Những năm trước, việc đốt vàng mã thường được thực hiện theo kiểu tranh nhau "hối lộ" cõi âm, mặc kệ "hao tiền, tốn của" thì vài năm trở lại đây, số người đốt vàng mã với số lượng lớn đã giảm đáng kể. Những ngày rằm tháng 7, nhiều nhà không còn đốt quần áo, giày dép mà chỉ đốt ít tiền vàng giấy.
“Tôi cho rằng, việc đốt vàng mã không xấu, tuy nhiên, chúng ta nên duy trì nó trong một chừng mực nhất định. Bởi lẽ sự khỏe mạnh và thành đạt của con người đa phần đều do sự cố gắng, phấn đấu và rèn luyện, tu dưỡng của từng người, không phải cứ đốt nhiều vàng mã là được”, ông Trung nói.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 98