Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thủ tướng: Xử lý nghiêm như gian lận, nếu phát hiện ra việc ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước



Theo Thủ tướng, thời gian vừa qua, trong gần 30 ngày, chúng ta tiếp tục thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế. Đặc biệt, gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng đã được đẩy mạnh. Có nhiều tấm gương tốt, những tấm lòng của người dân trong vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.
 

Thủ tướng yêu cầu không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quản lý tốt bên trong và khóa chặt từ bên ngoài. Ngành y tế đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh và được xuất viện. Một số trường hợp rất nặng đã được ngành y tế huy động lực lượng, thuốc men chữa trị với trách nhiệm cao nhất.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao công bố các tiêu chí về trường hợp đưa người về nước để tiếp tục xem xét, bố trí theo lộ trình. Đồng thời khuyến khích người Việt ở nước ngoài nên yên tâm ở nước sở tại vì nếu về dồn dập sẽ không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong nước.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ GD-ĐT, các địa phương trong việc đưa học sinh trở lại trường với gần 100% sĩ số và hiện chưa có sự cố nào.

Biểu dương sự cố gắng của các cấp, các ngành, Thủ tướng yêu cầu lực lượng thực thi công vụ tiếp tục đề cao cảnh giác, không để lây nhiễm ra cộng đồng, đặc biệt không để lây chéo trong các khu cách ly, hiện có hơn 12.000 người.

Mặc dù không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng, song Thủ tướng nhấn mạnh không được để mất cảnh giác. Cần tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp các nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly dập dịch kịp thời.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Con số này rất đông, đề nghị rất nhiều, vì vậy cần có lộ trình, cách làm nào để thực hiện chủ trương nhân văn nhưng phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Thời gian qua, tổng số ca dương tính của Việt Nam tăng nhanh khi nhiều công dân từ nước ngoài trở về nhiễm COVID-19 như có 17 ca từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và mới đây là có 24 ca từ Nga trở về.

Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh khi tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp.

Vấn đề khôi phục kinh tế vẫn đặt ra rất lớn, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng, không để đứt gãy nền kinh tế. Một số biện pháp đặt ra thời gian qua được triển khai như tạo điều kiện chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý, nhà đầu tư đến Việt Nam trong khi chúng ta có chủ trương đón nhận làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Trên tinh thần là Việt Nam không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, cần đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch. Chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác mà đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt, báo cáo Thủ tướng trường hợp cần thiết.

Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit thử. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thành quả cũng như những kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng đề nghị có chiến lược phòng chống dịch mới vừa hiệu quả về y tế vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vắcxin, có nghĩa là phòng, chống COVID-19 phải được xem là chiến lược lâu dài.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cho biết, bệnh nhân số 91 vẫn đang trong tình trạng nguy kịch: Đã đánh giá được mức tổn thương phổi nhờ chụp CT phổi, tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện ghép và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để ghép. Đồng thời, thực hiện làm nuôi cấy để khẳng định không còn SARS-CoV-2, khi khẳng định âm tính mới tiến hành chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện Cục Quản lý khám chữa bệnh đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ.
 

Theo K.Vân/baodansinh