Theo Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, chiều 31/5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị có liên quan để nghe báo cáo, rà soát, trkiện toàn hoạt động các chốt kiểm soát y tế liên ngành trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo từ lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố Huế cho thấy, các lực lượng đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao theo quy định. Nhìn chung các chốt hoạt động hiệu quả, các lực lượng làm nhiệm vụ cơ bản đã thành thạo công việc, kiểm soát tốt tình hình, giải quyết nhanh gọn người và phương tiện theo quy định. Chính quyền các địa phương đã dành nhiều quan tâm đến cơ sở vật chất, đảm bảo chế độ ăn uống đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị tăng cường thêm lực lượng tại chốt ở đỉnh đèo Hải Vân (Phú Lộc), bổ sung thêm chốt ở khu vực trạm Kiểm lâm Bình Điền (Hương Trà); tăng cường camera giám sát; quan tâm chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt.
Nhận định tình hình dịch còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành và các nước, vì vậy các chốt khả năng phải làm việc lâu dài, các đại biểu dự họp đề nghị cần sớm có giải pháp thực hiện tự động hóa tại các chốt. Bên canh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm (xử phạt); quyết liệt xử lý, xử phạt xe trá hình (xe khách thành xe hàng). Các đại biểu cũng đề nghị nên nghiên cứu, cân nhắc việc kiểm soát xe máy như kiểm soát đối với xe ô tô; quan tâm, tăng cường phun khử khuẩn, kiểm soát người đi bộ; việc xác minh việc khai báo y tế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, biểu dương các lực lượng làm việc tại các chốt kiểm soát y tế trong thời gian qua, nhất là những ngày gần đây phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mà các lực lượng phải làm việc duy trì trực tại các chốt 24/24h.
Nhận định các chốt kiểm soát y tế còn hoạt động lâu dài, ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị chính quyền các huyện, thị, thành phố cần quan tâm, gia cố các chốt để đảm bảo an toàn; bố trí đầy đủ, tốt nhất các điều kiện cho các lực lượng làm việc, như bàn ghế, máy móc, quạt... Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng mô hình các chốt kiên cố.
Ông Bình cũng lưu ý, tại các chốt phải có người điều hành chính. Người phụ trách chốt phải thường xuyên bám sát, giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra, cũng như báo cáo Ban chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo. Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm hoạt động của các chốt. Tại các chốt có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; chuyên nghiệp hóa quá trình làm việc.
Ngoài ra, cũng cần có các biện pháp đảm bảo thông thoáng, an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ cũng như người dân đến khai báo y tế; có chỗ ngồi cho công dân, đảm bảo giãn cách để đảm bảo an toàn. Các chốt kiểm soát đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả.
Ông Bình thống nhất việc tăng cường công tác giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu thêm các giải pháp giám sát bằng công nghệ, quản lý tốt đầu vào, đầu ra; có cơ chế vận hành nhịp nhàng, đảm bảo thông tin liên lạc giữa các chốt và chính quyền địa phương.