Hội nghị “Doanh nghiệp thực hiện an sinh xã hội và tăng trưởng xanh” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức. Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của doanh nghiệp trong an sinh xã hội và phát triển bền vững, góp phần giảm áp lực cho ngân sách trong đầu tư cho tăng trưởng xanh.
Quang cảnh hội nghị
Giảm áp lực cho ngân sách trong đầu tư cho tăng trưởng xanh
Theo PGS.TS. Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, doanh nghiệp đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, giờ đây phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. Tăng trưởng xanh, thực hiện tốt an sinh xã hội đang là xu thế doanh nghiệp chỉ phát triển tốt khi bắt kịp xu thế chung.
Theo số liệu thống kê hiện nay, nước ta có hơn 612.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể; Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 54,88 triệu người, số lao động đang làm việc ước tính là 53,52 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2018 chiếm khoảng 2,2%. Thực tế này cho thấy, việc thực hiện an sinh xã hội của cộng đồng DN là cần thiết và mang tính tất yếu, thường xuyên.
Số liệu khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện tại 50 DN thời gian gần đây đã khẳng định: Nhờ thực hiện các chương trình “trách nhiệm xã hội của DN” (trong đó có an sinh xã hội) mà doanh thu của các DN này tăng 25%, năng suất lao động tăng từ 34,2 lên 35,8 triệu đồng/lao động/năm; tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%.
“Tăng cường vai trò thực hiện an sinh của DN sẽ góp phần quan trọng trong việc chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong bối cảnh hiện nay”, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, mặc dù nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đã được triển khai thực hiện, nhận thức của cộng đồng đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới; Cam kết của DN với cộng đồng trong các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn hạn chế. Bởi vì, ở Việt Nam, hơn 97% DN là nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển còn thiếu về số lượng và yếu về chất, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ.
Vì vậy, trong bối cảnh mới, bên cạnh việc song hành với việc thực hiện tốt trách nhiệm cộng đồng DN, thời gian tới cần phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể là cần phải đồng bộ các yếu tố khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình như: y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học…
Tại Hội nghị, từ thực tiễn và hiệu quả mà doanh nghiệp đạt được khi thực hiện tốt chính sách an xinh xã hội và tăng trưởng xanh đã được các doanh nghiệp chia sẻ đều cho rằng, thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đó là sự cam kết của doanh nghệp trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung.
Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em