“Con lam lũ của một thời
Để khi khôn lớn nên người lại xa
Mỗi lần nhìn khói ngang qua
Tự dưng mắt nhớ quê nhà lại cay”…
Như một tiếng lòng đồng điệu, những vần thơ của Trương Nam Hương đã đưa tôi về với kí ức của tuổi thơ nghèo khó một thời. Bao nhiêu thương nhớ vơi đầy được gợi lên từ gian bếp nhỏ.
Kỉ niệm lại ùa về từ mùi của khói bếp, rạ rơm, củi tro, mùi của những món ăn đặc trưng ngày Tết. Thao thiết và vấn vương suốt một đời người. Hương quê bếp lửa ấm nồng ngày xưa…
Thời ấy, bếp của mọi nhà hầu như đều là tường đất mái gianh. Nhà nào khá giả mới có căn bếp xây lợp ngói. Bếp được coi là công trình phụ nên thường làm tách biệt với nhà trên.
Hôm nào mưa to gió lớn, cơm nước nấu xong xuôi, có khi cứ ngồi chết gí ở đó, chạy lên thì ướt hết. Nón mê không đủ che những lỉnh kỉnh xoong nồi bát đũa, phải đợi mưa ngớt mới bưng lên được, hoặc gọi cả nhà ào xuống ngả mâm, ăn luôn tại bếp. Thường ngày, bếp được đun bằng rơm rạ, củi lá trong vườn.
Mùa vụ bận rộn, phải đến trưa muộn, tối nhọ mặt người, bếp mới đỏ lửa. Những ngày giáp hạt đói kém, mất mùa, bếp lạnh tanh, hiu hắt. Đến ngọn khói lam chiều vương vất trên mái gianh cũng lênh loang một màu ảm đạm.
Nhưng bếp ấm cúng và rộn ràng nhất là những ngày giáp Tết. Bếp là nơi vào ra tấp nập, nói cười vui vẻ, gắn kết tình thân, mang đến niềm vui từ những món ăn ngon mà chỉ Tết mới có. Căn bếp đã trở thành trái tim, cái dạ dày của cả nhà, linh hồn của những ngày Tết. Có lẽ, Tết của mọi nhà đều bắt đầu từ căn bếp nhỏ.
Sau ngày rằm tháng Chạp trở đi, không khí Tết đã đến rất gần. Nhà nhà tất bật với công việc cấy cày cho kịp thời vụ và lo toan, sắm sửa cho mấy ngày Tết. Cả năm làm lụng vất vả, ai cũng mong muốn có một cái Tết được tươm tất, đủ đầy.
Ngoài việc dọn dẹp trang trí nhà cửa thì bếp cũng được quét dọn sạch sẽ, sắp đặt gọn gàng để chuẩn bị cho ngày cúng ông Công ông Táo. Chạn bát được khênh ra rửa sạch, phơi khô. Nồi niêu xoong chảo được đánh rửa, kì cọ sáng bóng. Nong nia, rổ rá, thúng mủng, giần sàng treo gác lại gọn gàng.
Mạng nhện, bồ hóng được xua sạch bong. Cả đống tro đầy tú ụ cũng hót hết đi để rắc cho mạ thêm ấm chân. Mấy ông đầu rau được nương núm kê lại tạo thế chân kiềng vững chãi. Căn bếp trở nên tinh tươm sạch sẽ, khang trang ấm cúng để tiễn ông Táo lên chầu trời - một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt từ bao đời. Bếp lại đỏ lửa.
Mâm cơm cúng được chuẩn bị chu đáo với những món truyền thống, có cả chú cá chép nhỏ xinh ngoe nguẩy trong chậu, tròn xoe mắt nhìn. Đứa nào cũng tranh nhau đem cá đi thả để báo công với ông Táo. Trong làn khói hương bảng lảng, mẹ tôi lầm rầm khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp cho một năm mới.
Tôi vẫn còn nhớ lời mẹ dặn mấy chị em: Không gì qua mắt được ông thần bếp đâu, gia chủ có làm điều gì tốt xấu, ông đều biết và ghi vào sổ. Thậm chí, đứa trẻ nào ngoan ngoãn học giỏi hay còn ham chơi lười học, hay cãi lời người lớn, ông cũng biết hết đấy!
Nghe thế, chúng tôi đều thấy sợ và không dám nói dối, không dám ăn vụng và cũng không để bếp dơ bẩn, phải chăm chỉ học hơn vì sợ vua bếp sẽ tâu lên Ngọc Hoàng. Tâm hồn trẻ thơ thuần khiết và trong sáng.
Không khí những ngày cận Tết thật náo nức và bận rộn. Người lớn luôn chân luôn tay cũng không hết việc, trẻ con đúng là “vui như Tết”. Có bao lí do để mà vui. Từ sáng 27, nhà nhà đã mổ lợn, tát ao bắt cá, chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, dưa muối, rau hành, miến măng, mộc nhĩ… để ăn Tết.
Mẹ cũng mua đủ những thứ gia giảm cần thiết cho mấy ngày Tết. Từng bọc được xếp đặt gọn gàng để trong bếp. Mấy chú gà đã nhốt sẵn trong lồng. Củi chất thành đống để luộc bánh chưng và sưởi ấm khi có rét đậm. Khí thế Tết đã tràn ngập trong căn bếp nhỏ. Bếp trở thành nơi sinh hoạt chính và nhộn nhịp vào ra của các thành viên trong gia đình.
Hầu như năm nào sát Tết cũng rét. Lửa được nhóm lên từ sáng sớm đến tận đêm khuya đem lại sự ấm áp sum vầy, xua đi cái lạnh giá của những ngày cuối năm. Bên bếp lửa hồng, bố mẹ hì hụi làm các món ăn từ thịt lợn đánh đụng của hàng xóm.
Chúng tôi ngồi vây quanh, vừa xem cách làm, vừa phụ giúp khi cần. Món nào cũng ngon mà ngày thường không có được. Trên bếp củi, mùi thức ăn thơm nức, ngào ngạt tỏa ra đánh thức vị giác của những đứa trẻ luôn thèm ăn, háo hức đợi Tết.
Trong đó, tôi nhớ nhất là món nem rán - thứ xa xỉ của tuổi thơ, chỉ Tết mới có. Đứa nào cũng hau háu dán mắt vào đĩa nem vàng rộm, giòn tan, thơm phức. Thèm đến không cưỡng nổi, mẹ phải cho mỗi đứa một cái nếm trước.
Ngấu nghiến ăn, chưa bao giờ thấy ngon đến thế. Đúng là “miếng ngon nhớ lâu”. Giờ đây, khi đời người đã xế bóng chiều hôm, tôi vẫn không quên được cảm giác đó.
Suốt mấy ngày cận Tết, chúng tôi chỉ quanh quẩn bên bếp lửa để sưởi ấm và tranh thủ chơi mấy ván bài tiến lên. Đứa nào cũng lấy cớ trông bếp để vừa được chơi, vừa được ăn không ngớt miệng, bao nhiêu ngô khoai nướng cũng hết.
Hấp dẫn nhất là được hít hà những hương vị đặc trưng của mùi Tết trong gian bếp ấm cúng. Đó là mùi thơm lừng của cá rán giòn, thơm nức của nồi cơm nếp, thơm ngậy của chảo mỡ rán, thơm giòn của lạc rang, thơm ngọt ngào của đường mía quyện lẫn vị gừng tươi thơm nồng trong món chè kho…
Cũng từ căn bếp ấm cúng, những bữa cơm ngày giáp Tết được dọn ra còn vương làn khói, sao mà đầm ấm, thân thương đến thế. Nhớ bữa cơm tất niên chiều cuối năm với những món quen thuộc như thịt mỡ, dưa hành, măng miến, gà xôi… đã gói trọn tình gia đình ấm áp, yêu thương.
Nhớ cả mùi thơm nức của nồi nước mùi già chiều 30 để cả nhà cùng tắm tất niên, tẩy rửa những điều xui xẻo của năm cũ, đón năm mới được an lành. Nhớ đêm luộc bánh chưng bên bếp lửa rực hồng, cả gia đình quây quần trò chuyện, nói cười vui vẻ…
Có biết bao nỗi nhớ không gọi thành tên từ căn bếp thân thương ấy. Tất cả đã trở thành miền kí ức ngọt ngào, sâu lắng của những người con xa quê mỗi khi Tết đến xuân về.
Hà Nội, tháng 12 năm 2023
Phạm Hường