Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

'Tín dụng nước sạch' nâng cao chất lượng cuộc sống

Trong 13 năm qua, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng triệu hộ gia đình trong cả nước có vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, vệ sinh, góp phần cải thiện đời sống nhân dân ở những vùng khó khăn.

 

Gia đình ông Trần Văn Mỹ, ở xóm 6, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã vay vốn ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch.

Phấn khởi khi nước sạch về nhà 
Nhiều năm trước, người dân ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Phần lớn nước sinh hoạt đều dựa vào nguồn nước giếng đào, giếng khoan. Tại một số xã vùng ven biển, nước từ các giếng bơm lên có hàm lượng sắt cao, để một lúc là lắng cặn vàng. Có nước sạch sinh hoạt là ước mơ của nhiều người dân nơi này.
Nhà máy cấp nước tập trung ở xã nông thôn mới Yên Lộc (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) xây dựng năm 2011, với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng, khi đưa vào hoạt động đã đáp ứng được sự mong mỏi và nhu cầu cấp thiết về nước sạch của nhân dân.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là từ đường ống trục đưa nước vào tận nhà mỗi hộ phải mất 5 - 7 triệu đồng. Nguồn vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH trở thành cứu cánh cho người dân nông thôn. Nhờ nguồn vốn này mà đến nay 85% số dân trong xã được dùng nước sạch.
Là một trong những hộ gia đình vay vốn ưu đãi để lắp đặt nước máy sử dụng, ông Trần Văn Mỹ, xóm 6, xã Yên Lộc, cho hay: “Cũng nhờ NHCSXH cho vay vốn kịp thời, tôi lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, vừa xây nhà vệ sinh. Tôi và nhiều gia đình trong thôn rất phấn khởi vì từ nay đã có nguồn nước chất lượng để sử dụng, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường”.
Chị Bùi Thị Ánh, ở xã Yên Lộc, được vay 12 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư đường ống dẫn nước sạch vào nhà. Chị cho biết, từ khi có nước sạch, chất lượng cuộc sống của gia đình chị được nâng lên. Không còn tình trạng nước nhiễm phèn, mặn, thay vào đó là nguồn nước trong mát, đảm bảo về chất lượng. “Giờ có bể nước này, cả gia đình không còn ai đau mắt, lở da, hay bệnh về đường tiêu hóa. Chăn nuôi trong gia đình cũng sạch sẽ, vệ sinh hơn”, chị Ánh phấn khởi chia sẻ.
Ông Mai Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lộc cho biết: “Năm 2016, dư nợ cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xếp thứ 3, sau chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ nghèo. Nhu cầu vay vốn về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở đây là rất cao và nguồn vốn sử dụng rất hiệu quả giúp cuộc sống của bà con nơi đây được nâng cao, số ca mắc bệnh về da, về mắt, về tiêu hóa do sử dụng nguồn không vệ sinh giảm đáng kể. Người dân nơi đây rất phấn khởi”.
Đề nghị nâng mức cho vay
Ở chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các gia đình khu vực nông thôn được vay tiền với lãi suất ưu đãi để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Mỗi gia đình được vay tối đa 6 triệu đồng cho một công trình nước sạch hoặc một công trình vệ sinh, thời hạn vay 5 năm kể từ ngày giải ngân. 
Mức vay tối đa để một hộ thực hiện cùng lúc cả 2 công trình là 12 triệu đồng/hộ. Sau 13 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ đạt gần 25.057 tỷ đồng, gần2,6 triệu khách hàng còn dư nợ. 
Tính đến nay, đã có trên 9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh được đưa vào sử dụng giúp cho gần 4,4 triệu lượt hộ gia đình trên toàn quốc được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư và nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 63%.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, hạn hán ngày càng gay gắt, nhu cầu về nước sạch của người dân càng tăng lên. Tuy nhiên, mức vay 6 triệu đồng/công trình/hộ đã trở nên lạc hậu so với chi phí hiện tại để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh đạt chuẩn. Nhiều ý kiến hộ vay, các đoàn thể, chính quyền địa phương đã đề nghị nâng mức cho vay tối đa lên 12 triệu đồng/công trình để tạo điều kiện cho người dân nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống.