Mới đây, một người ở Bắc Giang đã bị xử phạt vì đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh tại địa phương, gây hoang mang dư luận. Trước đó, rất nhiều người đã bị xử phạt vì hành vi tương tự. Đặc biệt, một số đối tượng còn bịa đặt cả phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rồi tung lên mạng. Sau đó, "phát ngôn giả" này đã lan truyền nhanh chóng, xuất hiện trên nhiều nền tảng ứng dụng, bao gồm cả Facebook, Zalo. Hiện vẫn chưa rõ ai là "tác giả" của "phát ngôn giả" này. Được biết, từ ngày 12 đến 14/5, Sở TT&TT Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân đã đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội Facebook.
Mọi thông tin trong thời điểm dịch bệnh hoành hành đều trở nên rất nhạy cảm, có thể tạo nên những phản ứng mạnh trong dư luận xã hội. Nếu không sớm được phát hiện và xử lý, tác động của những tin giả này là vô cùng nguy hại.
Không chỉ những tin giả hoàn toàn bịa đặt lan truyền trên mạng xã hội mà cả những thông tin "nửa thật nửa giả" được một vài người có chuyên môn cung cấp cho báo chí, trong đó thể hiện phần lớn là quan điểm cá nhân - bao gồm cả những thông tin chưa được khoa học thừa nhận và kiểm chứng. Nhưng do sơ suất của cơ quan báo chí, những thông tin này vẫn được đăng tải, sau đó được một số facebooker đưa lên mạng xã hội để mọi người "bình phẩm", gây tác hại không nhỏ. Như trường hợp một bác sĩ "tiên đoán" về "khả năng tiến hóa của virus nCoV trở nên... thuần với con người hơn" đã được một tờ báo đăng tải cách đây vài tháng, sau đó xuất hiện trên mạng xã hội, tạo nên luồng dư luận không có lợi trong bối cảnh cả nước vẫn đề cao tinh thần cảnh giác phòng chống dịch.
Tình hình xuất hiện nhiều "tin giả" đòi hỏi công chúng tiếp nhận thông tin phải có "bộ lọc" tốt để sớm phân định được đâu là tin giả, đâu là tin thật. Bên cạnh đó, mọi người cần tạo cho mình "thói quen" là mỗi khi tiếp nhận những thông tin "đáng ngờ" thì cần phải kiểm chứng, mà công cụ kiểm chứng hiệu quả nhất là báo chí chính thống.
Đọc và thực hành những hướng dẫn chống tin giả nên là thói quen của người dân trong xã hội thông tin hiện đại. Nếu thực hành đúng cách, cộng đồng hoàn toàn có thể chặt đứt chuỗi biến đổi di truyền và lây lan của "tin giả", thu hẹp không gian lây nhiễm của loại "virus" không kém phần nguy hiểm này. Đó cũng là một cách góp phần tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh của cả nước hiện nay.