Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Tôi vẫn là người con của quê lúa

Trong dòng chảy vời vợi của ký ức, có lúc bất chợt, không đầu không cuối nhưng trong miên man suy tưởng, Vũ Duy Hải vẫn luôn nói, anh cảm ơn quê hương và cả những tháng năm nghèo khó đã cho mình cái được lớn nhất của ngày hôm nay, đó là bản lĩnh đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống và giữ được sự bình yên khi tâm cần những khoảng lặng.

 

Vũ Duy Hải cho người gặp lần đầu cái cảm giác bình dị đến hiền hòa đúng chất người quê lúa nhưng thoáng chút pha trộn cả vẻ khoáng đạt, sôi nổi của núi rừng.

Ngày 19/04/2014 đã có gần 40 Doanh Nhân Đông Hưng là Giám Đốc các doanh nghiệp đến thăm nhà máy Vina G7, một Công ty con trong tập đoàn Vinacam ( Tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ).

Sinh năm 1962, tại Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình. Vũ Duy Hải hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VINACAM, được đánh giá là một trong những nhà phân phối và nhập khẩu phân bón lớn nhất và uy tín nhất Việt Nam. VINACAM hiện cũng khá thành công trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo, dịch vụ vận tải, sản xuất sản phẩm gỗ, kính cao cấp… Anh cũng là thành viên của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. 

Cái ngã của số phận

Tuổi 53, tuổi mà nếu có, con người ta cũng không còn nhiều sân si, những tháng năm bắt đầu trôi nhiều về suy tư quá khứ. Vũ Duy Hải nhớ lại, là con út trong một gia đình đông con (tính cả cha mẹ có đến 8 miệng ăn). Năm 1965, phần vì quê nghèo, đất chật phần vì nghe theo tiếng gọi của Đảng, bố mẹ anh đưa cả gia đình lên xây dựng cùng kinh tế mới tại Tây Bắc. Lúc đó Hải mới 3 tuổi nhưng không hiểu sao cho đến tận bây giờ, trong ký ức non nớt thời ấy vẫn còn lưu lại những hình ảnh mà anh bảo, không bao giờ quên từ những chi tiết nhỏ.

Nơi gia đình anh đến định cư nằm sát chân đèo Pha Đin lịch sử. Người Thái Bình khi đó tập trung rất đông ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nên cái tên Hợp tác xã Bình Thuận (ghép giữa Thái Bình và Thuận Châu) ra đời từ đó. Mùa khô, Thuận Châu khát nước, những ống bương dẫn nước từ khe núi dài ngoằn ngoèo đưa xuống khu khai hoang đông đúc chỉ đủ nấu nướng. Mùa khô ở Tây Bắc thật nghiệt ngã, gió Lào khô khốc thổi rát da người, lúa ngô trên nương cứ  héo quắt lại, chẳng những người mà đến trâu, bò, gà, vịt cũng xác xơ vì thiếu nước. Mùa mưa, những cơn mưa rừng lê thê khiến đất quyện chặt bước chân người. Còn mùa đông, sương muối đan kẽ lá ngấm buốt đến tận xương. Nước trong chậu, trong thùng qua một đêm đều đông thành đá.

Giữa buổi sáng, nắng lên, sương và băng tan trên mái nhà nhỏ xuống hiên ẩm ướt như những ngày mưa dầm vùng đồng bằng Bắc bộ. Những năm đầu mới lên, lương thực chưa trồng được, cả miền Bắc vô cùng khó khăn vì phải dồn sức cho chiến trường đánh Mỹ, số gạo trợ cấp ít ỏi, không đủ cho những lao động nặng, may mà còn có sắn và ngô răng thay cơm, thứ sắn ngô mà bây giờ chắc gà, vịt cũng còn chê. “Riêng tôi, vì bé tí lại là con út nên mỗi bữa mẹ để ra một nắm gạo bỏ vào một góc nồi, thế là cả nhà chỉ duy nhất có tôi được ăn cơm trắng, một bát cơm nguyên lành, không độn. Khó khăn, cực nhọc rồi cũng dần qua dưới đôi tay tảo tần của bố mẹ, sự đóng góp công sức của các anh, các chị”.

Khi chính sách xây dựng vùng kinh tế mới được áp dụng, hàng hóa cho Tây Bắc cũng được ưu tiên. Rừng núi hoang vu nhưng màu mỡ, dịu hiền đã không phụ công những người con chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Anh bảo nếu không có Sơn La, thật khó mà đủ ăn, đủ mặc cho cả 6 anh chị em trong gia đình lần lượt thi đỗ vào các trường đại học. Bố mẹ anh là người mà cả đời chỉ biết dành tất cả sức lực và thời gian cho con cái. Hết làm mộc, lại đan dần, đan sàng, thúng, mủng rồi chăn nuôi… bố anh đúng là một người có đôi tay vàng, một mình ông có thể chỉ đạo cả nhóm thợ chỉ với những cái chàng, cái đục, chiếc rìu mà dựng lên căn nhà gỗ ba gian, năm gian không cần một bản vẽ. Anh bảo, hình như từ  những chiếc bàn ghế, giường tủ đến những chiếc dần, sàng, nong nia, rổ, rá qua bàn tay ông đều trở nên có linh hồn.

Ông Vũ Duy Hải (ảnh bên phải) nhận kỷ niệm biểu tượng chùa keo của tỉnh Thái Bình 

Những năm của thập kỷ 60-70, cả khu khai hoang Bình Thuận chỉ lèo tèo vài người thi đỗ cấp 3, nên khi biết tin con nằm trong số đó, bố mẹ đã bán hết 6 tấn lợn hơi để mua cho anh một chiếc xe đạp đi học. Thời đó, nhà nào nuôi được con lợn sáu, bảy mươi cân phải mất hàng năm, thì 6 tấn lợn hơi của nhà anh là cả một gia tài, cái gia tài ấy được bán trong thời kỳ bao cấp, thời kỳ được ví “mua như cướp, bán như cho”, giá rẻ như bèo. Cách  trường 16 cây số và tiếng là quốc lộ 6 nhưng thực ra chỉ là con đường từ thời bộ đội kéo quân lên Điện Biên toàn đá mẹ, đá con lẫn bụi mù mịt cùng ổ trâu, ổ gà ôm theo triền núi, bên kia là vực sâu nên đường đến trường những lúc đói và mệt cứ hun hút. Nhà không có đồng hồ báo thức, bố thường gọi Hải dậy bằng cách nhìn trên đỉnh núi. “Đêm Tây Bắc lạ lắm, có những tháng trong năm, cả đêm trời sáng trăng suông.

Ánh trăng trong vắt cảm giác như có thể đọc được chữ trên vở đã nhiều lần đánh lừa bố tôi. Một lần ông gọi: Con dậy đi học thôi, ông Sao Tua Rua và ông Sao Mai đã đến sát đỉnh núi kia rồi. Theo quán tính tôi bật dậy, một mình cứ thế đạp xe trên đường vắng ngắt (ngày đó dân cư thưa thớt lắm), lúc đến trường mới biết là 3 giờ sáng, lại chui vào lớp ngủ chờ các bạn đến. Tôi đã có nhiều buổi đi học như thế mà nói thật lúc đó sợ chết khiếp vì phải đi qua những ngôi nhà mồ mới chôn của người dân tộc và dưới trăng ảo ảo, những bụi tre ven đường trở nên bí hiểm đến rợn người. Rất may, tôi luôn có chú chó Tô trung thành, mỗi ngày, nó cũng chạy theo tôi 16 cây số đến trường mỗi sáng và buổi trưa lại 16 cây số ngược dốc về nhà.

Học hết cấp 3, Hải về lại Thái Bình thi đại học. Năm đầu tiên hăm hở thi khối A vào Đại học Thương nghiệp,  thật cay đắng, anh chỉ còn thiếu 1.5 điểm. Buồn, anh xách cuốc ra đồng như bao bạn bè cùng trang lứa, chờ mùa thi sau. Những năm đầu thập niên 80, nhà nào cũng đói quay quắt,  nồi cơm nấu lên lúc nào cũng ít hơn cả khoai sắn mà chẳng đủ no. Phong trào trồng khoai tây trên đất ướt được phát động rầm rộ. Một sáng tinh mơ, Hải vác cuốc ra đồng (giờ là cánh đồng Đinh Trọng Lịch) mong ghi dấu công sức của mình lên đó. Vóc dáng nhỏ con nên đến khoảng 10 giờ sáng, cơn đói đã làm anh hoa mắt, run tay. Gió bấc căm căm, đất ruộng se lại dẻo quánh, người liêu xiêu khiến cái cuốc nặng hơn cả cái tạ. Cố cuốc cho xong mảnh đất còn khoảng 3, 4 mét vuông, nhưng càng cố, nhát cuốc càng nặng, Hải hụt hơi ngã sấp mặt xuống bùn. Lê chân ra bờ mương, vừa khoát nước rửa bùn đất trên mặt, trên tóc nước mắt bỗng trào ra. Cái lạnh, cái tủi từ cú ngã ấy đã khiến chàng trai 18 tuổi thực sự bừng tỉnh: “Mình không thể chịu nghèo đói thế này, mình cũng không thể trở thành nông dân với sức vóc như thế này được”. Và từ hôm đó, ngày đi làm, đêm Hải quyết tâm lao vào đèn sách. Rất may, với sự hướng đạo của chị gái là giáo viên dạy văn, anh chuyển hướng sang ôn thi khối C (Văn, Sử, Địa).

Trao học bổng cho các em học sinh nghèo, học giỏi tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Cần Thơ…

Duyên nợ với rừng

Vừa thi xong, tự tin vào kết quả làm bài của mình, Hải khoác ba lô trở lại Sơn La. Ở Thuận Châu,  những con đường đi nương, hái củi,  đường vào bản Thái, bản Mèo có nhắm mắt anh cũng có thể đến được. Từ miền xuôi, anh gom đủ các mặt hàng mang lên miền núi bán lại. Xen giữa các chuyến đi, anh còn đóng được 15 ngàn viên gạch để xây nhà cho bố mẹ. Yên tâm với ngôi nhà mới tinh từ những viên gạch do chính tay mình nhào nặn, cất đóng, Hải tiếp tục với những đi chuyến về giữa Thái Bình và Sơn La để buôn bán lặt vặt, cũng kiếm được khá tiền phụ bố mẹ. Mải việc, anh cũng quên cả việc theo dõi giấy báo kết quả thi, ngày đó kết quả thi được dán ở huyện, học sinh phải tự lên xem, nếu thấy tên mình trúng tuyển thì mới lên làm thủ tục nhận giấy nhập học. Trong một lần tiễn các bạn cùng trang lứa đi nghĩa vụ quân sự, bạn bè gặp anh hô toáng lên: “Tao thấy tên mày trên bảng thông báo danh sách vào Trường Đại học Pháp lý, sao mày cứ tỉnh bơ thế?”. Hải sững người, anh biết rằng cuộc đời mình bắt đầu sang trang từ đây.  Đó là buổi chia tay thật khó quên, anh và những người bạn cùng thời, mỗi người đã đi về một ngã rẽ khác nhau.

Trước khi vào nhập học, Hải từ quê lên Sơn La để chào anh em bạn bè cũ, gặp lại anh Thỏa, người anh kết nghĩa dân tộc Thái, hai anh em mừng mừng tủi tủi. Anh dẫn Hải đi từ đầu đến cuối bản thông báo tin vui “Cán bộ Hải sắp được đi học rồi, bà con ai có gì  thì góp cái đó cho cán bộ đi học”. Cứ  thế hai anh em rong ruổi hai ngày, gom được gần 20 kg vừa gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, đậu đen… nghĩa là bà con cho gì cũng lấy. Chất ba lô lên lưng ngựa, hai anh em đi bộ hơn 7 cây số đường rừng mới ra được đến quốc lộ để vẫy xe về Hà Nội học. Bao nhiêu tinh túy của rừng, bao nhiêu tình của đồng bào dân tộc Thái dồn cả vào đó, anh mang theo như một hành trang vào đời.

Họp mặt giao lưu doanh nhân (Đông Hưng-Thái Bình) tại TP. HCM

 Vũ Duy Hải cho biết, khóa học 1981 – 1984, Đại học Pháp lý (nay là ĐH Luật) của anh sau này có rất nhiều người thành đạt, nhiều người bạn cùng thời giờ đang giữ những chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Thời điểm đó, sinh viên pháp lý là “của hiếm” nên sau khi ra trường, 100% sinh viên đều có việc làm. Vũ Duy Hải nằm trong số được điều động công tác tại Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp thuộc Bộ nông nghiệp. Năm 1987, anh được phân công xuống làm Trợ lý Giám đốc tại Xí nghiệp Vật tư nông nghiệp Cấp 1 Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1994, anh lại được yêu cầu quay trở lại Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp. Bốn năm sau, trước tình hình mất hết thị trường kinh doanh phân bón tại phía nam, anh được giao viết đề án và được bổ nhiệm làm Giám đốc Chi nhánh Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. 34 tuổi, Vũ Duy Hải là cán bộ lãnh đạo trẻ nhất của Tổng Công ty thời điểm đó. Anh nhớ lại, vào Thành phố Hồ Chí Minh mở chi nhánh thời kỳ này không khác gì đi xây dựng vùng kinh tế mới, vì trước đó đã có những người tiền nhiệm cấp cao của Tổng Công ty phải chấp nhận trắng tay trở về, tiền hàng không thu hồi được và thị trường gần như là con số không.

 

Khi đất nước chuyển mình, Luật về cổ phần hóa được ban hành, năm 2005, anh đã mạnh dạn ra khỏi Nhà nước để cùng “khai sinh” Công ty Cổ phần Vinacam, nay đã trở thành một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Là một công ty đa ngành, Vinacam vẫn gắn chặt với  ruộng đồng bằng việc nhập khẩu những loại phân bón tốt nhất để cung ứng cho nông dân cả nước. Đội ngũ cán bộ công nhân viên trong toàn hệ thống Vinacam cho đến nay đã trên 1000 lao động, đời sống anh em ổn định và thu nhập ngày càng tăng.


Tổng GĐ Vũ Duy Hải tại lễ kỷ niệm 5 thành lập Công ty Vinacam

 Không quên mảnh đất và tình người đã cho mình nhiều hơn cả những ước mơ,  Vũ Duy Hải quyết định quay trở lại Sơn La, cùng bạn bè đầu tư vào ngành du lịch sinh thái. Tới đây, Công ty Cổ phần Du lịch nông nghiệp Aren đi vào hoạt động, dự án sẽ được triển khai tại huyện Mộc Châu theo nguyên tắc: “Mọi thứ của núi rừng như cỏ cây, sông suối, những nét đẹp văn hóa dân tộc sẽ được giữ nguyên bản”. Đối với Vũ Duy Hải, dự án này gần như không phải chỉ để làm kinh tế mà anh đang nghĩ đến việc trả ơn mảnh đất đáng nhớ này. Khi Khu du lịch Sinh thái Aren mọc lên sẽ giải quyết công ăn việc làm cho bà con dân tộc người bản địa, đời sống người dân sẽ được thay đổi. “ Tôi vẫn có dịp quay trở lại Sơn La, đúng là đường lên Tây Bắc núi trập trùng như mơ, nhưng ước mơ của tôi giờ “thực dụng” hơn  nhiều. Đó là sẽ không còn thấy những đứa trẻ vùng cao phải chân đất lấm lem, tím tái đi học trong giá rét. Nghĩ lại, cuộc đời mình thật may mắn. Tôi đã có một gia đình hạnh phúc, có một người vợ hiền luôn sát cánh cùng tôi trong mọi bước đi. Hai đứa con ngoan, chăm học biết cùng bố mẹ làm những điều thiện nguyện… Đúng là đời cho tôi thật nhiều vì thế tôi không được phép quên quê hương Thái Bình, quên Sơn La, quê hương thinhứ 2 của mình”.

Tháng 4 hanh hao, Sài Gòn đong đầy kỷ niệm, thành phố vừa mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, Vinacam cũng chuẩn bị tổ chức sinh nhật tuổi lên 10, trong căn phòng làm việc ngập tràn ánh sáng của anh tại 28 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũ Duy Hải trầm tư: “Thời gian như cái chớp mi. Mới đó đã 10 năm. Còn biết bao việc để làm, còn nhiều dự định mà mình chưa thể dừng lại, nhất là khi nghĩ đến những trẻ em bất hạnh, nghèo khổ mình đã gặp trong những chuyến đi công tác hoặc đi trao học bổng Tiếp sức đến trường cùng Báo Tuổi Trẻ tại Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái... Thương lắm, nhiều em nhỏ còn đói cơm, thiếu áo, thậm chí có những em học sinh dù đã thi đỗ vào đại học mà không thể đến trường vì nhà nghèo quá. Chắc chắc tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn vào Quỹ Khuyến học để chia sẻ với các em, các cháu nhiều hơn”.

 

Năm 2013, Vinacam đã quyết định thành lập Quỹ  khuyến học Vinacam. Đến nay, tổng số tiền Vinacam bỏ ra xây dựng Quỹ và quyên góp được đã lên đến gần 7 tỉ đồng và phấn đấu 10 năm tới sẽ đạt được 1 triệu USD. Hàng năm, Quỹ đã kết hợp với Báo Tuổi trẻ trong chương trình “Tiếp sức đến trường – Vì ngày mai phát triển” trực tiếp tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trên cả nước, mỗi suất học bổng là 5 triệu đồng. Sau hơn 2 năm  hoạt động, Quỹ khuyến học Vinamcam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và đã tài trợ cho trên 400 tân sinh viên trên cả nước.