Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP trong 24 giờ qua. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Các địa phương đã tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình
Theo ông Trong hai ngày đầu tiên (23-24/8) Thành phố thực hiện việc tăng cường giãn cách xã hội, người dân không được ra khỏi nhà để đi chợ, do đó cửa hàng tiện lợi và đa số các chợ đã đóng cửa; còn một số ít chợ đang hoạt động chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chợ thay; các siêu thị cũng tạm dừng các hoạt động bán lẻ trực tiếp và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là soạn đơn theo yêu cầu, các gói combo dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân và giao qua tổ đặc biệt của địa phương để cung ứng hàng hóa cho người dân.
Mỗi ngày, Tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức “đi chợ hộ” cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, giá dao động từ 100.000 đồng - 500.000 đồng để người dân lựa chọn.
Trong 02 ngày (23 và 24/8), trên địa bàn 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã có 138.638 hộ dân đăng ký “đi chợ hộ”/2.183.247 hộ dân toàn Thành phố (chiếm 6,35%); theo tiến độ thực hiện hiện nay, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai “đi chợ hộ” cho 1.743.610 hộ dân và tổ chức cấp phát cho 1.089.089 hộ dân khó khăn đến hết ngày 06 tháng 9 năm 2021.
Nhìn chung, hàng hóa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân; giá cả tại các siêu thị không có biến động mạnh.
Trao đổi với báo chí về vấn đề giá thành của các combo hàng hóa khá cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho hay: Hiện nay, hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân là hệ thống hiện đại, được kiểm soát giá cả và có sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng; nên việc tăng giá bất thường gần như không có.
Vì vậy, việc giá các combo hàng cao là so với nhu cầu của người dân chứ không phải do tăng giá hàng hóa. Tiếp nhận phản ánh này, Sở đã đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa cân đối, điều chỉnh lại các combo với mức giá phù hợp theo từng nhu cầu của người dân.
Hỗ trợ cho người lao động và lực lượng phòng chống dịch
Theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, để tiếp tục hỗ trợ thêm cho người lao động trong tình hình dịch kéo dài, khó khăn chồng chất, ngày 24/8, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh đã ký Quyết định số 3089 về việc hỗ trợ thêm tiền bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, mức hỗ trợ cho bữa ăn là 1 triệu đồng/người (hỗ trợ một lần) do công đoàn cấp trên trực tiếp cấp hỗ trợ cho công đoàn cơ sở bằng nguồn tài chính tích lũy của đơn vị. Trong trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở không đủ kinh phí thì Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, tổng công ty trực thuộc… sẽ cấp bù hỗ trợ.
Cùng ngày, HĐND TPHCM khóa X tại kỳ họp thứ hai đã thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM. Trong đó, hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với các mức chi cụ thể gồm: lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp là 10 triệu đồng; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp là 4,5 triệu đồng; tổ phòng, chống COVID cộng đồng là 2 triệu đồng.
Đối với lực lượng tình nguyện viên được Thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch có hai mức: mức chi 3 triệu đồng cho lực lượng cán bộ giảng viên từ các trường y khoa trên địa bàn Thành phố, lực lượng y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu; tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc F0, F1, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung; mức chi 1,5 triệu đồng cho lực lượng sinh viên y khoa.
Lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, chi viện cho TPHCM có mức chi là 3 triệu đồng cho lực lượng nhân viên y tế, cán bộ giảng viên và 1,5 triệu đồng cho lực lượng sinh viên y khoa.
Bên cạnh đó, Trung tâm An sinh TP đã vận động được trên 1.861.000 túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…), đã chuyển 492.076 phần quà về các địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ đây đến ngày 06/9/2021 dự kiến sẽ chuyển hết phần còn lại. TP Tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh.
Thông qua Chương trình SOS của Trung tâm An sinh TP (Tổng đài 1022) đã hỗ trợ 1.176 phần quà, gồm: phản ánh nhiều lần chưa được giải quyết là 579 phần quà; qua Tổng đài Mặt trận và đường dây nóng là 597 phần (là những tin bà con cần gấp lương thực, thực phẩm); những hộ có trẻ nhỏ mỗi hộ được hỗ trợ thêm 5 lốc sữa, tổng số 1.190 lốc sữa đã được hỗ trợ cho các địa phương.
Bảo đảm an sinh xã hội
Cũng theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, trong ngày, TP đã tiếp nhận 98 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 25/8/2021: 303 người); Tiếp nhận 18 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên (lũy kế từ ngày 11/7/2021 đến 25/8/2021: 127 người).
Liên quan đến chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP theo công văn số 2209/UBND-KT ngày 01/7/2021 của UBND TP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết:
TP đã hỗ trợ cho 65.978/67.43 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (đạt tỷ lệ 97,85%) với kinh phí hỗ trợ 133.538.400.000 đồng; 193/193 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: với tổng kinh phí hỗ trợ 396.400.000 đồng.
Đồng thời, hỗ trợ đợt 1 (ngày 08/8/2021) cho 365.794/365.794 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 548.691.000.000 đồng và đợt 2 cho 431.973/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 43,05%), kinh phí hỗ trợ 647.959.500.000 đồng. Tổng cộng 2 đợt: 1.196.650.500.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 18.082/18.419 (đạt tỷ lệ 98,17%) kinh phí 26.079.390.000 đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060.492.875.247 đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 131 đơn vị với 28.979 người lao động, kinh phí hỗ trợ 223.702.272.357 đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139/139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 515.690.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 248/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 920.080.000 đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả…: 213.621/1.223.973 hộ (đạt tỷ lệ 17%), kinh phí 319.909.500.000 đồng (từ NSNN: 217.249.000.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 102.660.500.000 đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.732/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,7%), kinh phí 58.653.200.000 đồng (từ NSNN: 38.995.000.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 19.658.200.000 đồng).