Trong khi phần lớn các thị trường lớn nhất tại Châu Á Thái Bình Dương đang chịu áp lực giá đất tăng đặc biệt cao, chỉ có TP.HCM nằm trong nhóm 10 toàn cầu các thị trường có Giá Đất Phải Chăng cho trung tâm dữ liệu. Các thị trường khác cùng nhóm bao gồm: Columbus, Santiago, Johannesburg, Atlanta, Nashville, Phoenix, Austin, Denver và Chicago.
Theo báo cáo Q4 2022 của Cushman & Wakefield, giá thuê đất khu công nghiệp trung bình đạt 159 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 3% theo quý và 10% theo năm. Việt Nam có rất nhiều yếu tố cho thấy tiềm năng phát triển lớn về trung tâm dữ liệu trong tương lai, với hơn 70% tỷ lệ dân số đã sử dụng internet.
“Cơ sở hạ tầng dữ liệu và kỹ thuật số của Việt Nam hiện tại còn phân tán và kém phát triển so với quy mô dân số của thị trường và nhu cầu sử dụng dịch vụ internet.” Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: “Tuy nhiên, hạn chế trên đồng thời cũng lại là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia và xây dựng trung tâm dữ liệu từ sớm. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các nhà phát triển nước ngoài đến với Việt Nam sẽ mong muốn thông qua việc kí kết hợp tác với các nhà phát triển nội địa.”
Khu vực phía nam TP.HCM được ưu tiên đặt cơ sở cho các trung tâm dữ liệu, đặc biệt là các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ đám mây, nhờ vào việc đảm bảo nguồn điện và độ trễ dữ liệu. Tuy nhiên, giá đất tại TP.HCM cũng tăng lên trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và nguồn cung cấp điện hiện tại hoặc tương lai vẫn còn hạn chế; điều này đang thúc đẩy các dự án phát triển trung tâm dữ liệu đến các tỉnh lân cận như Bình Dương hoặc Đồng Nai.
Tốc độ cạnh tranh giữa trung tâm dữ liệu và các loại tài sản khác đã trở nên gay cấn trong năm vừa qua. Những trung tâm hậu cần hay những hộ gia đình có khu đất phát triển tương đối lớn đang được chú ý để chuyển sang trung tâm dữ liệu.
So với các loại bất động sản khác, trung tâm dữ liệu có lợi thế do các yêu cầu về địa điểm ít khắt khe hơn, và khi vận hành cũng không làm thay đổi tình hình giao thông tại đó, một vấn đề mà địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, các trung tâm dữ liệu yêu cầu mức tiêu thụ điện năng khá lớn và liên tục nhằm hạn chế tối đa độ trễ trong quá trinh truyền dữ liệu.
Singapore, Hồng Kông đứng thứ ba và thứ tư trong bảng xếp hạng trung tâm dữ liệu toàn cầu
Bắc Virginia, thị trường trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới và là thị trường được xếp hạng hàng đầu trong ba năm qua, năm nay đã nhường ngôi vị cho Portland sau sự kiện giá đất tăng mạnh và những hạn chế về điện. Portland tăng từ vị trí thứ 10 vào năm 2022 để lên đầu bảng chung; Atlanta lọt vào top 5 thị trường hàng đầu.
Tính riêng khu vực Châu Á Thái Bình Dương có 20 trong số 63 thị trường được xem xét. Trong đó, Singapore và Hồng Kông xếp hạng nhất và nhì, trong khi Sydney và Seoul đồng hạng ba. Tokyo lọt vào top 5 thị trường hàng đầu.
Singapore và Hồng Kông là hai đô thị duy nhất bên ngoài Hoa Kỳ lọt vào top 10 bảng xếp hạng tổng thể. Singapore đứng đầu trên toàn cầu ở cả ba nhóm: quy mô thị trường, kết nối cáp quang và tính khả dụng của đám mây; và vị thế là một thành phố thông minh đã giúp củng cố thứ hạng của Singapore mặc dù lệnh cấm hai năm mới được dỡ bỏ gần đây đã hạn chế nguồn cung mới.
Hồng Kông cũng ghi nhiểu điểm trong các hạng mục như khả năng kết nối mạnh mẽ, nhu cầu nhất quán, dịch vụ đám mây sẵn có và cơ cấu thuế thân thiện với doanh nghiệp bù đắp cho giá đất cao.
Vivek Dahiya, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu của Cushman & Wakefield tại Châu Á Thái Bình Dương, cho biết sự quan tâm và đầu tư vào khu vực sẽ tiếp tục tăng với tốc độ phát triển của lĩnh vực này.
“Chúng tôi đang ghi nhận sự quan tâm và đầu tư đáng kể ở Bangkok, TP.HCM, Hyderabad, Johor và Manila; và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục, cùng với sự quan tâm đến các thị trường sơ cấp và thứ cấp khác trong khu vực.
“Trung tâm dữ liệu là một loại tài sản đang phát triển nhanh chóng, bằng chứng là trong báo cáo này: năm ngoái, Portland xếp thứ 10. Năm nay thị trường này đứng đầu. Chúng tôi hy vọng những chuyển động mạnh mẽ như vậy sẽ tiếp tục trong những năm tới khi lĩnh vực này phát triển và trưởng thành.”