Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, các doanh nghiệp đón tin vui vì UBND TP.HCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm bốn bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng.
"Hiệp phội cám ơn Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan đã lắng nghe và thấu hiểu, thống nhất với Hiệp hội về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng và thời gian thực hiện từng thủ tục hành chính", ông Châu bày tỏ.
Tuy nhiên, theo ông Châu, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét, sớm giải quyết các dự án đã tạm nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý thuế phù hợp với từng thời kỳ. Trường hợp việc chậm nộp tiền sử dụng đất không có nguyên nhân chủ quan từ tổ chức kinh tế thì tổ chức kinh tế không phải nộp số tiền tương đương tiền chậm nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành khẩn trương xem xét, kết luận các trường hợp dự án có điều chỉnh quy hoạch xây dựng, có (hay không có) phát sinh nghĩa vụ tài chính (bổ sung) và phải sớm giải quyết các vướng mắc cụ thể của từng dự án và phải kịp thời trả lời cho các chủ đầu tư, không để tình trạng tiếp tục "treo" các dự án, gây bức xúc cho các chủ đầu tư và người mua nhà.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn đến từ TP cũng có mà từ Trung ương cũng có. TP đã có những chỉ đạo yêu cầu các sở ngành phải chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Doanh nghiệp khi triển khai dự án thì phải vay vốn rất nhiều, đình lại một ngày thì doanh nghiệp phải trả lãi suất nên bị thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch TP.HCM cho biết BĐS là một trong 9 ngành dịch vụ quan trọng của TP. Nếu không giải quyết kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp thì sẽ tác động đến thị trường và ảnh hưởng đến sự phát triển của TP. Do vậy, các sở ngành cần phải chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án kịp thời, nhanh chóng.
Ông Phong nhấn mạnh, TP đã nỗ lực cải cách hành chính để xây dựng bộ máy ngày càng tốt hơn phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, TP quyết tâm cải thiện tốt môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết cho biết, năm 2020, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 22 dự án nhà ở thương mại; công nhận chủ đầu tư 15 dự án nhà ở thương mại; chấp thuận đầu tư 10 dự án. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã có ý kiến gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với 61 dự án nhà ở thương mại để tổng hợp báo cáo UBND TP về thủ tục chấp thuận cho chủ trương đầu tư.
Cũng theo ông Khiết, năm 2020, toàn TP đã cấp 41.286 Giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 13,6m2, giảm 11.344 Giấy phép xây dựng, tỷ lệ giảm là 22% so với cùng kỳ năm 2019.