Gần đây, chị Giang (Hà Nội) luôn có cảm giác đau tức ở ngực xuyên ra lưng, hay ợ nóng, ợ chua, nuốt vướng, cảm giác có đờm và thường ho nhiều về đêm. Chị đã đi khám ở phòng khám tư và được chỉ định điều trị viêm đường hô hấp. Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị, bệnh không giảm mà còn nặng hơn. Đến Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội), sau khi được khám chuyên khoa hô hấp, làm các xét nghiệm và nội soi dạ dày thực quản, bác sĩ kết luận chị Giang bị trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là hiện tượng thức ăn và các chất chứa trong dạ dày như acid, men tiêu hóa, hơi… không ở dạ dày mà dâng trào từng lúc hay thường xuyên lên thực quản, có khi lên tới miệng, gây các tổn thương tại thực quản, hầu, họng.

Nhiều trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc có biến chứng mới được phát hiện.
Ảnh minh họa: promise.
Dấu hiệu chẩn đoán bệnh
- Ợ hơi lúc đói: Ợ hơi lúc đói, ợ hơi ngay cả khi không uống bia, rượu, đồ uống có ga… là dấu hiệu sớm của bệnh trào ngược.
- Ợ nóng: Cảm giác nóng lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, đôi khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai, kèm có vị chua trong miệng.
- Ợ chua là khi dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản đến cuống miệng gây cảm giác ợ chua.
- Đau tức ở ngực: Người bị trào ngược cũng thường bị đau, tức ngực như cảm giác bị chèn ép, co thắt ngực, đau xuyên ra lưng, cánh tay.
- Nhiều nước bọt: Người bị trào ngược thường tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.
- Khàn giọng, đau họng, ho nhiều về đêm là triệu trứng nhiều người bệnh nhầm là bệnh viêm họng thông thường. Tuy nhiên, khi bị các triệu trứng trên mà chữa viêm họng không khỏi thì cần nghĩ đến trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Khó nuốt, nuốt vướng, cảm giác có nhiều đờm ở họng.
- Đắng miệng: Cảm giác đắng miệng xảy ra gợi ý rằng bạn đang đồng thời mắc cả trào ngược dạ dày và trào ngược dịch mật.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh
Trào ngược dạ dày thực quản không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí dẫn tới ung thư.
- Viêm đường hô hấp: Tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi có thể xảy ra khi một lượng acid dạ dày trào lên đường hô hấp. Ngoài ra, một số người bị trào ngược còn có thể bị mòn răng, viêm tai…
- Hẹp thực quản: Dịch dạ dày trào lên thực quản thường xuyên làm tổn thương niêm mạc thực quản gây viêm dẫn tới loét, hẹp thực quản. Biến chứng có thể gây khó nuốt, nuốt đau, đau ngực. Đặc biệt đau phía sau xương ức khi ăn uống, buồn nôn, nôn, mất cảm giác thèm ăn…
- Barrett thực quản là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất của trào ngược dạ dày thực quản. Barrett thực quản là tình trạng tế bào vùng thấp thực quản bị biến đổi màu sắc do sự tiếp xúc lặp lại với acid dạ dày. Chỉ một tỷ lệ nhỏ những người bị trào ngược bị Barrett thực quản, tuy nhiên sự biến đổi của tế bào trong bệnh Barrett thực quản là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư thực quản.
- Ung thư thực quản là biến chứng hiếm gặp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra đối với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày. Biến chứng này thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi.

Nguyên tắc điều trị
Làm lành các vết viêm loét trong dạ dày, ngăn chặn stress, giảm tiết acid dạ dày, tăng tốc độ tiêu hóa để làm rỗng dạ dày... là những biện pháp để hạn chế trào ngược. Trên thực tế, việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản gặp nhiều khó khăn vì các nguyên nhân gây bệnh thường không tồn tại riêng lẻ, mà kết hợp trên cùng một bệnh nhân nên việc điều trị muốn thành công cũng cần kết hợp nhiều cơ chế. Trong đó, dinh dưỡng và lối sống là những yếu tố quan trọng. Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh mãn tính, dễ tái phát, vì vậy, việc điều trị phải lâu dài, ngay cả khi đã hết triệu chứng.
Cách phòng ngừa bệnh
- Giảm cân: Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, hãy giảm cân nếu bạn thừa cân và không để tăng cân nếu bạn đang có cân nặng lý tưởng.
- Tránh những thực phẩm có thể gây trào ngược: Thực phẩm nhiều mỡ, thực phẩm có gia vị mạnh, thực phẩm có tính axit (như cà chua, cam, quýt...), bạc hà, sôcôla, hành, cà phê hoặc đồ uống tương tự có chứa caffein, đồ uống có ga...
- Nên ăn nhiều bữa nhỏ: Những bữa ăn no làm đầy dạ dày, dễ gây trào ngược hơn.
- Không nằm nghỉ ngay sau khi ăn: Sau khi ăn, nên đợi ít nhất 3 giờ mới nằm nghỉ.
- Nâng cao đầu giường 15-20cm (hoặc nằm với góc nghiêng 10 -17 độ) nhằm giúp nâng thực quản cao hơn dạ dày. (Lưu ý: Không xếp chồng nhiều gối lên nhau, vì như vậy chỉ phần đầu được nâng cao, thực quản vẫn nằm ngang với dạ dày).
- Xem xét lại những thuốc đang dùng. Nhiều thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản, vì vậy cần xem xét các loại thuốc đang dùng.
- Cai thuốc lá, hạn chế uống rượu.
- Không mặc quần áo quá chật.
- Dùng chế độ ăn không có gluten. Loại bỏ gluten trong chế độ ăn (trong ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì), bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Nguyên tắc ăn uống cho người bị trào ngược dạ dày
Thói quen ăn uống hằng ngày là một trong nhiều tác nhân gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản và góp phần làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, cần lưu ý:
- Những thực phẩm nên ăn: Bánh mì, bột yến mạch, các loại đỗ đậu, đạm dễ tiêu (gồm: thịt thăn lợn, thịt ngan…), sữa chua, nghệ và mật ong.
- Những thực phẩm không nên ăn: Thức ăn có nhiều dầu mỡ, trái cây có chứa thành phần axit nhiều (cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me, chocolate, tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà…).
Anh Khánh/GĐTE