Từ quan niệm cho rằng “con mình thì mình có quyền”, không ít phụ huynh khá thoải mái chia sẻ thông tin về con cái, từ ảnh sinh hoạt hằng ngày đến thành tích học tập, thông tin trường học, bạn bè, sở thích của con… Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến sự an toàn của con, khiến trẻ bị tổn thương cả về thể chất và tâm hồn.
Tôi nhớ, có lần xem một chương trình trên tivi về một cô bé 14 tuổi bị mẹ phát hiện đang lén lút xem phim người lớn và bị mẹ mắng chửi thậm tệ. Cha mẹ li hôn từ nhỏ, nên bao yêu thương và hi vọng người mẹ dồn hết cho con gái. Thấy con học tốt, ngoan ngoãn nên mẹ em vui lắm, không ngờ con lại làm chuyện tày trời này. Bà quyết tâm tìm ra chân tướng sự việc, liên lạc với cô giáo, dò hỏi những người bạn của con xem con bị bạn nào xúi giục… Cảm giác bị xỉ nhục, hối hận và tội lỗi đan quyện vào nhau làm tâm trạng cô bé rơi xuống vực thẳm. Cô thường một mình thẫn thờ nhìn bên ngoài cửa sổ, hễ có người quen đi tới lại vội vàng tránh mặt. Dường như bí mật của cô bé đã được công bố cho cả thế giới cùng biết, nên cô bé chỉ muốn tìm cái hố để chui xuống.
Việc làm của người mẹ, chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng khi đưa tin về bí mật riêng tư của con mình, đẩy con vào tình huống khó xử. Bởi khi tìm hiểu về giới tính, ai cũng có phản ứng tự nhiên là ngại ngùng, xấu hổ. Thanh thiếu niên thì càng lo sợ những bí mật về giới tính của mình bị người khác biết được, vì đó là điều rất khó chia sẻ.
Nhiều trẻ bị tổn thương nặng nề khi bị xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh minh họa. Ảnh: IT
Tương tự như câu chuyện trên, những ngày cuối tháng 11/2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi trong tình trạng giập gan. Nguyên nhân được xác định là do bé gái giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên nhảy từ tầng 8 xuống tự tử. Dù đã được cấp cứu kịp thời và sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, nhưng đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, rằng các con có những bí mật, những câu chuyện thầm kín muốn cất giữ cho riêng mình. Có thể những “bí mật” đó với người lớn thì bình thường nhưng với các con, nếu lộ ra ngoài sẽ vô cùng khủng khiếp. Vì vậy, cha mẹ hãy tôn trọng con, đặc biệt là tôn trọng quyền riêng tư của con.
Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ bị tổn thương nặng nề, nhiều em mất cơ hội học tập, sống không yên ổn sau khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Từ hệ lụy khó lường của việc xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ, bên cạnh sự hỗ trợ của luật pháp, thì chính cha mẹ cần tự ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư bất cứ lúc nào, bởi bất cứ ai, để từ đó, giáo dục và định hướng cho con em các kỹ năng sống cần thiết, cũng như ý thức về giá trị của bản thân để tự bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư của mình.
Tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, chính là tôn trọng nhân cách, sự phát triển lành mạnh của trẻ. Việt Nam đã ký kết và tham gia các tuyên ngôn, công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, trong đó những văn bản đề cập đến quyền riêng tư và quyền riêng tư của trẻ em có: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR - Việt Nam tham gia ngày 24/12/1982); Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 (CRC - Việt Nam tham gia ngày 26/1/1990, phê chuẩn ngày 28/2/1990).

Tôn trọng quyền riêng tư bằng cách không xem trộm nhật ký/điện thoại của con. Ảnh: TV.
Trong Luật Trẻ em năm 2016, quyền riêng tư của trẻ em được đặt ra cụ thể, như Điều 21 về “Quyền bí mật đời sống riêng tư” quy định: “1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. 2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”. Khoản 11, Điều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm” quy định cụ thể một trong các hành vi đó là: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Điều đáng nói, là bản thân cha mẹ đôi khi vẫn chưa nhận thức rõ được về quyền riêng tư của trẻ. Có những trường hợp, cha mẹ “vô tư” chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em chủ yếu là để làm thú vui tiêu khiển, làm thỏa mãn sự khoe khoang của các bậc phụ huynh với mục đích thu hút sự quan tâm của dự luận, cộng đồng mạng xã hội…
Vậy, làm thế nào để các bậc phụ huynh có thể vừa đồng hành, bảo vệ con mà lại không xâm phạm, đánh mất quyền riêng tư của các con? Theo TS. Trần Thu Hương, chuyên gia tâm lí lứa tuổi thanh thiếu niên, chúng ta phải dạy con bằng cả quá trình, dạy bằng sự yêu thương, nhẫn nhịn, song hành coi các con là bạn, từ đó có sự thấu hiểu dành cho con cái. “Từ sự thấu hiểu, từ tình yêu thương, từ sự kiên trì ấy, thì mọi mâu thuẫn, mọi khó khăn giữa cha mẹ và con cái sẽ có cách để xử lý thì tôi tin các con cũng sẽ hiểu sự yêu thương của cha mẹ. Nhiều bậc làm cha mẹ lấy cái tôi của mình để lấn át cái tôi của con cái, hoặc đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái nên vô tình tạo ra áp lực, đẩy con cái ra xa chúng ta”, TS. Trần Thu Hương nói.
Những việc cha mẹ có thể làm để thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái
- Gõ cửa trước khi vào phòng con.
- Không xem trộm nhật ký/điện thoại của con.
- Không lục lọi ngăn kéo hay cặp sách của con.
- Hỏi ý kiến con trước khi đăng ảnh con lên bất kỳ mạng xã hội nào.
- Không tò mò về chuyện riêng tư của con.
- Sẵn sàng lắng nghe con nếu con có ý định chia sẻ với mình.
Vân Nhi/GĐTE