“Con người với máy móc” là Dự án do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace thực hiện xuyên suốt năm 2021, bao gồm chuỗi hoạt động trao đổi học thuật giữa các chuyên gia Pháp và Việt Nam về tiến bộ công nghệ và những tác động của nó đến mọi mặt của cuộc sống hiện tại. Thông qua nhiều hình thức hoạt động như hội thảo, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, xuất bản sách và tọa đàm…, các nhà nghiên cứu, chuyên gia các lĩnh vực liên quan, và đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu biết rõ hơn về những cơ hội và thách thức của kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Trong khuôn khổ của Dự án này, nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Trí tuệ nhân tạo: những ảnh hưởng được lập trình” của tác giả Jean-Gabriel Ganascia, Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Công ty Sao Bắc Media quyết định tổ chức toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo: Tưởng tượng hay thực tế khi máy móc vượt qua con người?”. Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: tác giả Jean-Gabriel Ganascia, Giáo sư tại Đại học Sorboone (Pháp), dịch giả Nguyễn Sỹ Nguyên, dịch giả cuốn sách, ông Dương Thắng, nguyên giảng viên Toán, Đại học Quốc gia Hà Nội và dịch giả Nguyễn Trí Dũng, đại diện Công ty Sao Bắc Media.
Tọa đàm diễn ra lúc 18h thứ sáu ngày 15/04/2022 tại Thư viện Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Phát trực tiếp qua Zoom, đăng ký tham dự tại: https://forms.gle/Wcdh7p7vJwYj1KoQ9
Đôi điều về tác phẩm “Trí tuệ nhân tạo: những ảnh hưởng được lập trình”
Ngày nay, máy tính là một phần của tất cả các hoạt động hàng ngày của chúng ta: Một cỗ máy đã đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới, tự động xây dựng kiến thức từ khối lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data), robot tự động nhận dạng giọng nói rõ ràng và hiểu văn bản được viết bằng ngôn ngữ tự nhiên… Liệu máy móc có trở nên thông minh, sẽ có trí óc, thậm chí là có lương tâm? Sự phức tạp của trí tuệ nhân tạo nằm ngoài khả năng hiểu được ngay lập tức của chúng ta và làm phát sinh một số quan niệm sai lầm. Do đó, trí tuệ nhân tạo sẽ tái tạo hoạt động của bộ não chúng ta, nó sẽ đảm bảo rằng máy tính không bao giờ mắc lỗi và cuối cùng chúng ta trở thành nô lệ của chúng.
Tác giả Jean-Gabriel Ganascia, bằng cách phân biệt thực tế với giả tưởng thuần túy, cho phép chúng ta hiểu trí thông minh nhân tạo (IA) hoạt động như thế nào, tiềm năng của IA đến đâu và những giới hạn của nó.
Sơ lược nội dung buổi tọa đàm
Tại tọa đàm, các diễn giả Việt Nam cùng với sự hiện diện trực tuyến của tác giả Pháp Jean-Gabriel Ganascia sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề thời cuộc đang đặt ra cho giới nghiên cứu và đông đảo người quan tâm như:
● Trong thời đại bùng nổ công nghệ, trí tuệ nhân tạo có những ý nghĩa như thế nào với mọi mặt của xã hội?
● Trí tuệ nhân tạo thay thế hay cứu rỗi những điểm yếu của trí tuệ con người?
● Với trí tuệ nhân tạo, những viễn cảnh nào được dự báo cho tương lai của nhân loại?
● Pháp và các nước châu Âu đã trải qua giai đoạn đầu của phát triển “trí tuệ nhân tạo”, tác giả Jean-Gabriel Ganascia chia sẻ những kinh nghiệm với giới nghiên cứu khoa học Việt Nam khi chuẩn bị bước vào lĩnh vực “trí tuệ nhân tạo” như một tất yếu.
Các diễn giả tham dự tọa đàm
Tác giả Jean-Gabriel Ganascia sinh năm 1955, hiện là là giáo sư tại Đại học Pierre và Marie Curie (Đại học Sorbonne), tại LIP6 (Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính tại Đại học Paris 6).
Dịch giả Nguyễn Sỹ Nguyên, dịch giả tự do, tốt nghiệp Cử nhân Triết học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Các dịch phẩm đã xuất bản: “Tâm thức, bản ngã và xã hội” (G. H. Mead, NXB Tri Thức, 2020), “Từ điển triết học Gadamer” (Chris Lawn và Niall Keane, Viện Ired, NXB Khoa học xã hội, 2020), “Triết học giáo dục” (Nel Noddings, Viện Ired, NXB Khoa học xã hội, 2021), “Nhân loại thời kỹ thuật số: Văn hóa đối diện với công nghệ mới”, (Dominique Vinck, Sao Bắc Media & NXB Hồng Đức, 2021).
Ông Dương Thắng, nguyên giảng viên Toán, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dịch phẩm đã xuất bản: “Thày tu và triết gia”, (Matthieu Ricard, Jean-François Revel, NXB Khoa học Xã hội, 2010)
Dịch giả Nguyễn Trí Dũng, tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ tại Đại học Krasnoda (Nga), hiện là Giám đốc Công ty Sao Bắc Media. Dịch phẩm đã xuất bản: “Khảo luận triết học: Thông thái và số phận” (Maurice Maeterlinck, NXB Thế giới, 2016).