Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Triển khai nhiều biện pháp giúp học sinh nói không với ma túy

Trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy trong trường học đã có sự đầu tư đồng bộ để kiềm chế sự xâm nhập của tệ nạn ma túy vào môi trường giáo dục. Tại Lạng Sơn, hàng loạt các hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy đã được ngành giáo dục triển khai thiết thực, hiệu quả tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy đã được triển khai ở các cấp học, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục.

Đổi mới cách tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, trước bối cảnh phức tạp của ma túy, tệ nạn xã hội, Bộ GD-ĐT đã, đang tích cực triển khai nhiều biện pháp trong và ngoài trường học nhằm giúp học sinh có đủ sức đề kháng để phòng ngừa, nói không với ma túy, tệ nạn xã hội. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021.

Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng, chống ma túy PSD (Viện PSD) trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thực hiện các hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, trọng tâm là công tác phòng, chống AIDS, ma túy trong trường học. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh và đông đảo giáo viên các cấp, phụ huynh học sinh tại các trường. Việc tuyên truyền phòng chống ma túy ở trường học có ích đối với cả giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.

Vở kịch Lỗi tại ai – một trong các hình thức tuyên truyền cho học sinh cách phòng, chống ma tuý hiệu quả. Ảnh: Hà Thành.

Vở kịch "Lỗi tại ai" – một trong các hình thức tuyên truyền cho học sinh cách phòng, chống ma tuý hiệu quả. Ảnh: Hà Thành.

Tại chương trình, các em học sinh có dịp quan sát các mẫu vật ma túy được trưng bày. Bên cạnh đó, các em học sinh được gặp gỡ những người đã có thời gian lầm lỡ sử dụng ma túy, những câu chuyện thật, những con người thật… là minh chứng rõ nhất về tác hại của ma túy.

Bên cạnh đó, Viện PSD đã tổ chức test ma túy thông qua xét nghiệm nước tiểu cho các em học sinh. Đây là hoạt động thiết thực, giúp các nhà trường nắm được tình hình học sinh có sử dụng ma túy hay không, để kịp thời đưa ra các phương án tư vấn cho học sinh và gia đình.

Em Đinh Thành Nam, lớp 12A13, Trường THPT Lộc Bình cho biết: Chương trình tuyên truyền về phòng chống ma tuý tại trường ngày 8/11 vừa qua không chỉ có nhiều hoạt động mới lạ mà em còn được tận mắt quan sát, nhận biết các loại ma túy và bày tỏ suy nghĩ của bản thân qua các hoạt động, cuộc thi trắc nghiệm thú vị của chương trình. Sau buổi tuyên truyền, chúng em có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân và tuyên truyền về phòng chống ma tuý trong nhà trường và ngoài xã hội.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết: năm nay, công tác phòng chống ma tuý trong trường học được triển khai đồng bộ, đa dạng nhiều hoạt động mới lạ, trực quan sinh động và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cán bộ, giáo viên và học sinh.

Việc triển khai các chương trình, hoạt động phòng chống ma tuý một cách đa dạng, thiết thực, toàn diện trong trường học thời gian qua đã có ý nghĩa, tác động to lớn đến nhận thức của học sinh. Đây cũng là cơ hội để Sở GD&ĐT đánh giá chất lượng, thực trạng công tác phòng chống ma tuý trong trường học, từ đó xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma tuý trong thời gian tới.

Cần nhân rộng triển khai tại các tỉnh thành trên cả nước 

Để công tác tuyên truyền phòng chống ma túy đạt được nhiều hiệu quả, trong thời gian tới, các tỉnh thành trên khắp cả nước cần đẩy mạnh việc triển khai 5 nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021 theo kế hoạch 599/KH – BGDĐT, bao gồm: Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác phòng chống ma túy trong trường học; tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy mại dâm, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của các nhà trường trên toàn quốc; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội trong trường học; phối hợp thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (thông qua xét nghiệm nước tiểu) cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông; triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”, tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.