Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng chủ trì Hội nghị
Hàng triệu NKT được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội
Ngày 27/12 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường kỳ tổng kết năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên, trong đó có 58 là nữ và 28,3% là trẻ em. Tính đến cuối năm 2018, đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Ước tính khoảng 10% người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo.
Ông Hồi cũng cho biết, năm 2018, Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế. Cùng với đó, trợ giúp người khuyết tật cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt là một trong những nội dung thiết thực được các cấp ngành, các địa phương và các tổ chức xã hội quan tâm triển khai…
Năm 2018, tổng ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (bao gồm trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho đối tượng) và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH- BTC.
Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các tổ chức, Bộ, ngành triển khai Dự án Phát triển Hệ thống trợ giúp xã hội đối với các đối tượng yếu thế - trong đó có đối tượng người khuyết tật- thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2018 với kinh phí 361,14 tỷ đồng.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng (bên phải) và Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi điều hành Hội nghị
Theo báo cáo của Ủy ban, đến nay, cả nước có trên 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 100 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trng các cơ sở bảo trợ xã hội.
Cũng trong năm qua, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực vận động xã hội, huy động nguồn lực để hỗ trợ cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật như: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam vận động được nguồn hỗ trợ bằng tiền và vật chất tương đương 591 tỷ đồng trợ giúp cho 4,1 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin vận động tài trợ được 201,194 tỷ đồng từ Trung ương và địa phương; Hội Cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam vận động được gần 14 tỷ đồng…
Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm, thực hiện chủ yếu bằng cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm… Về chính sách hỗ trợ giáo dục đối với người khuyết tật cũng được thúc đẩy; Trong lĩnh vực tiếp cận giao thông, công trình công cộng, các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm giá vé cho NKT từ 25%- 100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng…
Gần 20 nghìn người khuyết tật được hỗ trợ học nghề
Đáng chú ý, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, góp phần ổn định cuộc sống, thúc đẩy hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật, là một trong những giải pháp căn bản đảm bảo thực hiện quyền người khuyết tật.
Đến nay, cả nước đã có trên 19.550 người khuyết tật được hỗ trợ học nghề chiếm 2,3% tổng số người được hỗ trợ học nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.
Vụ phó Vụ Khoa giáo văn xã của Chính phủ Đoàn Hữu Bảy phát biểu tại Hội nghị
Cũng trong năm qua, các địa phương trong cả nước đã chủ động và tích cực hỗ trợ phát triển sinh kế cho người khuyết tật lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong chương trình giảm nghèo và chương trình nông thôn mới.
Riêng Văn phòng Ủy ban Quốc gia đã triển khai hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật tại 8 tỉnh, thành phố hỗ trợ cho trên 150 hộ, trong đó có triển khai thí điểm các mô hình sinh kế phù hợp với người khuyết tật.
Thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế, trong năm, Việt Nam đã hoàn thành báo cáo 2 năm thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật và đã được trình lên Ủy ban Liên Hợp quốc. Hoàn thiện hồ sơ lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình Chính phủ gia nhập Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ ngành đều đánh giá cao kết quả 6 tháng đầu năm của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cho rằng việc tạo điều kiện cho người khuyết tật là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội.
Đánh giá cao vai trò bảo trợ của Ủy ban đối với người khuyết tật rất tốt, và năm qua vận hành được websibte, mọi thông tin đều có thể tìm thấy khá đầy đủ qua web, tuy nhiên Phó vụ trưởng Phạm Trọng Cường, Vụ các vấn đề xã hội (UBCVĐXH của Quốc hội) cho rằng, Báo cáo cần nói rõ thêm các chỉ số trợ giúp người khuyết tật đạt được đến thời điểm này.
“Ví như mục tiêu 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục vào năm 2020, vậy đến nay đã tiếp cận được bao nhiêu”, ông Cường nói và kiến nghị năm 2019, đối với hoạt động kiểm tra, cần các đoàn kiểm tra chuyên đề, tập trung đi vào 3 chuyên đề: Giáo dục hòa nhập, phục hồi chức năng và giao thông công cộng. “Để các đề án đến đích, năm 2019 nên đi theo các chuyên đề như thế”, ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác trợ giúp NKT của Ủy ban quốc gia về NKT, của các Bộ, ngành thời gian qua. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Nhìn chung, năm 2018, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã đảm bảo việc triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng đánh giá, các rào cản xã hội, giao thông, thông tin… từng bước được tháo gỡ. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ từng bước được cải thiện. Hầu hết các địa phương đã ban hành Danh mục nghề đào tạo và định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, khuyến khích đào tạo nghề cho người khuyết tật theo hình thức kèm cặp, truyền nghề, đào tạo vừa học vừa làm. Phong trào hỗ trợ sinh kế người khuyết tật được đẩy mạnh, có sức lan tỏa, huy động được sự tham gia của cộng đồng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn một số tồn tại như việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật còn chậm. Một số Bộ, ngành địa phương tiếp độ triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật còn chậm, bố trí kinh phí thấp hoặc không bố trí; một số địa phương chưa chủ động triển khai các chính sách về khuyết tật, chưa thành lập Ban công tác người khuyết tật, có địa phương đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Một số địa phương còn thụ động chờ hướng dẫn của Bộ, ngành như chế độ hỗ trợ cho giáo viên dạy khuyết tật, xây dựng định mức hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật.
Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến nên chăng kiện toàn Ủy ban, và cần tổ chức các giám sát chuyên đề trong năm 2019. Thứ trưởng nhấn mạnh, các ý kiến đề xuất của các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong thực hiện chính sách đối với NKT hiện nay. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp, Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT.