1. Rục rịch từ đầu tháng Bảy Âm lịch đã thấy những quầy bánh Trung thu ở các con phố. Những hộp bánh Trung thu đầy dần lên trong tủ. Nhiều loại bánh, nhiều kiểu dáng, giá cả, người mua bình phẩm về chất lượng về nỗi lo an toàn thực phẩm. Bánh dẻo, bánh nướng không còn là “của để dành” cho đêm Rằm tháng Tám nữa, đã thấy ê chề từ tháng trước rồi. Trẻ con như cũng bớt dần háo hức cho cái Tết của tuổi mình. Chúng ngại và chán cả thắp lên những đèn ông sao, con cá, con thỏ… được bán sẵn ở phố, ở chợ. Nhiều bậc cha mẹ chen chân đưa con tới chợ, tới những con phố chuyên kinh doanh đồ hàng mã, đồ chơi thiếu nhi để rồi lại vội vàng chen ra bởi sợ con đòi mua những súng, những kiếm, thanh đao… bạo lực. Hàng Tàu tràn ngập, mỗi năm đồ chơi thêm “khủng hơn”, đa dạng và hiếu chiến.
Người lớn bận bịu hơn, cả ở thôn quê cũng ít người còn tâm trí cùng con cháu làm những đồ chơi Trung thu truyền thống. Người lớn nghĩ đến những gì thực dụng hơn, trẻ con cũng bớt cả mơ mộng.
Đêm Rằm đang đến gần, Trung thu này ngồi nhớ những Trung thu...
2. Quán ăn sáng quen thuộc. Những thực khách quen thuộc. Và người đàn ông không bình thường quen thuộc. Anh ta xuống sân tập thể vào đúng giờ đó, hút một điếu thuốc, uống một chén trà nóng. Cười cười với những người bán hàng. Rồi lên. Nhưng hôm nay, khi đã hút xong, uống xong, cười xong, thì anh ta hát.
Tôi ngạc nhiên vô cùng vì người đàn ông ngờ nghệch ấy đã hát trọn bài “Chiếc đèn ông sao”, không sai một từ, một nốt nhạc nào. Có thể anh ta đã từng có một tuổi thơ bình thường, khỏe mạnh về tinh thần như bao đứa trẻ đồng lứa khác, và Trung thu cũng đã luôn là dịp để đứa trẻ trong quá khứ ấy ngóng trông. Kí ức hằn lên như một cái rãnh nhỏ trong vỏ não, không gì xóa nhòa đi được, để đến hôm nay, khi Trung thu cận kề, anh ta hát, “đây đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài cán cao qua đầu, em cầm đèn sao, em hát vang vang, đèn sao sáng ngời của đêm Rằm Trung thu… Tùng dinh dinh là tùng tùng dinh dinh…”. Tiếng hát như ánh sao nhảy nhót theo mỗi cái vung tay, mỗi cái gục gặc đầu, cứ thế bay bay cùng anh ta vào tận ngách cầu thang của khu tập thể.
Thị thơm chín vàng mùa Trung thu. Ảnh minh họa
3. Trung thu đã trôi qua tôi hay tôi đã trôi qua những Trung thu như thế nào? Chỉ biết tôi đã lớn lên, khác xưa, còn Trung thu quê nhà, hình như vẫn vẹn nguyên như thế! Những chiều cuối tuần trước Trung thu, lũ trẻ trong xóm được đặc cách miễn việc nhà, túm tụm, miệt mài cắt dán nào là mũ chào mào, hoa đeo tay, nào bờm bươm bướm, cặm cụi lột vỏ hạt bưởi đã phơi khô, xâu thành vòng. Chỉ nghĩ đến thứ ánh sáng xanh dịu mát và tiếng nổ lách tách phát ra từ chuỗi hạt bưởi thôi cũng thấy háo hức rồi, cứ như Trung thu đã đang chờ ngoài cửa. Các ông bố phụ trách công việc quan trọng là vót cật tre làm khung đèn lồng, sau đó dán giấy trang kim óng ánh. Họ vừa làm vừa nói chuyện, chẳng để ý đến đám trẻ con loách choách đang bâu xung quanh với những đôi mắt vừa tò mò vừa hân hoan, háo hức.
Cỗ Trung thu có gì? Là một mâm không phải ngũ quả mà thập cẩm quả, với đủ loại hái trong vườn nhà, nhà nào có gì thì góp nấy: chuối, bưởi, cam chua, hồng, na, ổi… Tất cả được tập trung ở nhà nào có sân rộng với góc hướng đông thoáng đãng để có thể đón chào chị Hằng được trọn vẹn nhất. Có một món ăn không thể thiếu trong ngày Trung thu là món “bánh đa cùi dừa”. Sự kết hợp hài hòa và thân thuộc đến độ người dân quê tôi còn vận thành thơ “đánh chết không chừa, cứ đòi cùi dừa bánh đa”. Dừa già, bổ ra lấy cùi, ăn kèm bánh đa nướng nhiều vừng, miếng ngon trên đời không gì sánh được.
Đêm Rằm. Nắng còn trốn dưới những nền sân gạch, trong những đống rơm. Nhưng gió thu đã khua xào xạc trên những tàu lá dừa, chạy rào qua từng bụi chuối, mang hương bưởi, hương na từ vườn vào mâm “phá cỗ”. Vầng trăng vàng ươm như màu quả thị chín từ từ nhô lên sau lũy tre gộc phía Đông. Lũ trẻ con trong đó có tôi, đứa đầu đeo bờm bươm bướm, đứa đội mũ chào mào có hình con thỏ, con gà, tay đeo hoa giấy ở ngón giữa, cầm đèn lồng ông sao, vung vẩy đèn hạt bưởi đi quanh xóm, hát lên inh ỏi. Người lớn tụ tập lại một nhà, hút thuốc lào, nói những chuyện mà lũ trẻ con không bao giờ hiểu. Và khi mặt trăng đủng đỉnh lên giữa đỉnh đầu, chỗ ngọn dừa đang phơ phất, ánh sáng dịu dàng bao trùm lên cả sân gạch rộng, cả con đường, ngõ xóm xanh rì râm bụt, trùm lên cả những đống rơm to tướng giữa sân kho, vẽ ra những vệt sóng vàng lấp lánh lấp lánh trên mặt ao xao động… thì lũ trẻ con vừa kịp trở về. Người lớn thổi tắt những ngọn đèn dầu để ánh trăng tràn vào thềm, vào nhà qua các khung cửa sổ mở toang. Rồi thì phá cỗ. Phá cỗ xong là biểu diễn văn nghệ, hát múa, đọc thơ. Nghệ sĩ nhà, khán giả nhà, sân khấu nhà mà vẫn thấy hồi hộp đến thế! Cứ xong một tiết mục là tiếng pháo tay lại vang lên đầy tán thưởng và rổn rảng những tiếng cười.
Trung thu không bánh nướng, không bánh dẻo. Chỉ có hoa trái trong vườn. Trung thu không đèn kéo quân, không đèn cô tiên rực rỡ. Chỉ có đèn hạt bưởi, đèn ông sao còn thoảng mùi tre ngâm. Trung thu không có cánh thiên thần, không vương miện công chúa, không mặt nạ dọa ma, chỉ có mũ chào mào, hoa giấy... Thế mà sao vui sướng đến nhường ấy và nhớ thương đến tận bây giờ.
Ngày mai là Trung thu thành phố. Một Trung thu như hàng trăm Trung thu đã qua của nơi này. Thừa mứa đồ chơi, thừa mứa ánh sáng, thừa mứa bánh trái, hoa quả. Chỉ thiếu ánh trăng. Chạnh lòng nhớ Trung thu nhà quê của riêng mình…
Mộc Miên/Tạp chí Gia đình và Trẻ em