Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam: Địa chỉ tin cậy của người học nghề và doanh nghiệp

 
Đơn vị đi đầu đổi mới tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đào tạo
 
Thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, ngày 9/10/2014, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trường trong Tập đoàn gồm: Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm - Vinacomin, Trường Cao đẳng nghề mỏ Hữu Nghị - Vinacomin và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc - Vinacomin. Ngay sau khi thành lập, Nhà trường đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất lao động, phân công nhiệm vụ kiêm nhiệm "một người có thể làm nhiều việc" như Trưởng khoa kiêm công tác giáo vụ khoa; Trưởng Phân hiệu kiêm Trưởng phòng... Tính đến tháng 10/2018, Trường đã giảm tuyệt đối 9 đầu mối các đơn vị; tổng số lao động giảm từ 1.160 xuống còn 852 người (giảm 308 người, chủ yếu là lao động quản lý, phục vụ, phụ trợ).
 
Hiện nay, Nhà trường có 5 Phân hiệu và 5 Trung tâm, đóng trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên; có 8 phòng chức năng cấp trường, 1 Trạm Y tế và 20 khoa nghề tại các Phân hiệu, Trung tâm. 

 Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam nhận cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” “Dạy tốt, học tốt” năm học 2017 - 2018 do Bộ Công thương trao tặng. Ảnh: Huy Hùng
 
Nhà trường luôn xác định công tác tuyển sinh và đào tạo nghề mỏ hầm lò có chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm cung cấp lao động các nghề mỏ hầm lò theo nhu cầu kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp trong TKV. Từ đó, chủ động xây dựng hệ thống cơ cấu Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm của Nhà trường gồm 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 3 phòng tuyển sinh doanh nghiệp, 6 phòng tuyển sinh tỉnh ngoài và 1 phòng nghiệp vụ tuyển sinh, thực hiện chuyên môn hóa trong công tác tuyển sinh. Đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, xây dựng Trung tâm Tuyển sinh & Giới thiệu việc làm trở thành trung tâm kết nối chính sách tuyển dụng, đào tạo thợ lò của các doanh nghiệp trong TKV với thị trường nhân lực tại các địa phương từ vùng cao Tây Bắc đến các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên…, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ hữu cơ: Doanh nghiệp - Nhà trường - Địa phương, đào tạo theo nhu cầu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học.
 
Bên cạnh đó, Trường đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như: xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với thực tế sản xuất; nâng cao cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; cải tiến phương pháp dạy học tích cực; đặc biệt là chăm lo đời sống tinh thần, sinh hoạt ăn ở và hoạt động ngoại khóa cho học sinh...
 
Với uy tín thương hiệu và các giải pháp đồng bộ nêu trên, năm 2018, tổng doanh thu của Trường đạt 117% kế hoạch được giao, thu nhập bình quân trên 9,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 22% so với 2017), công tác tuyển sinh hệ A đạt 93,2% kế hoạch năm (trong đó Nhà trường tự tuyển 103,7%; Doanh nghiệp tuyển 51,1%), doanh thu đào tạo lái xe đạt 113% kế hoạch năm (bằng 131% so với 2017), doanh thu ngắn hạn đạt 95%, doanh thu sản xuất kinh doanh than đạt 129% kế hoạch năm (tăng 49% so với 2017).

Chất lượng đào tạo là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh

Năng động trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia
 
Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cũng rất chú trọng việc tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm nâng cao chất lượng lao động có tay nghề, tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời cung cấp nguồn lao động có chất lượng cao cho các đơn vị trong Tập đoàn TKV và các doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu năm 2017, Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để triển khai công tác đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các công việc, ngành nghề nằm trong danh mục bắt buộc phải đánh giá kỹ năng nghề theo quy định tại Nghị định 31/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả, năm 2017, Trường đã tổ chức 12 kỳ đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho hơn 20.000 lao động các nghề đảm bảo an toàn thuộc các doanh nghiệp trong Tập đoàn Công nghiệp Than -  Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cùng một số tổng công ty, doanh nghiệp ngoài ngành than với doanh thu thực hiện đạt hơn 29 tỷ đồng.
 
Song song với công tác đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề đối với những nghề đặc thù mỏ hầm lò có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (nghề kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; nghề kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; nghề kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò...), Nhà trường đã tiếp tục đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, các trang thiết bị và đào tạo đánh giá viên để tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho người lao động các nghề khác tại 5 cơ sở, gồm: Phân hiệu Đào tạo Cẩm Phả, Phân hiệu Đào tạo Hoành Bồ, Phân hiệu Đào tạo Hữu Nghị, Phân hiệu Đào tạo Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung tâm Hợp tác Đào tạo Hồng Cẩm, với đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, xe, máy phục vụ công tác đánh giá theo quy định. Nhờ đó, năm 2018, Trường đã được Bộ LĐTBXH cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 8 nghề gồm: Kỹ thuật Khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật Xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật Cơ điện mỏ hầm lò; Điện Công nghiệp; Hàn; Giám định khối lượng và Chất lượng than; Công nghệ ô tô; Sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò.
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, Nhà trường đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh thợ lò và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, đáp ứng nguồn nhân lực bền vững cho TKV và nhu cầu xã hội, khẳng định thương hiệu đào tạo Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản trong bối cảnh mới.
 

 

Minh Anh/GĐTE