Chồng cung ứng, vợ tiêu thụ
Do điều kiện kinh tế khó khăn, từ vùng quê nghèo thuộc miền núi phía Bắc cách đây hơn chục năm Mai Thị Khuya cùng chồng là Phạm Viết Châu dắt díu nhau vào Tây Nguyên để lập nghiệp, với hy vọng ở vùng đất mới này sẽ làm ăn phát đạt và có cuộc sống sung túc hơn. Ban đầu, vợ chồng Khuya cũng như những người dân khác đến đây lập nghiệp mua đất làm rẫy cà phê, mùa được mùa mất, nhưng cuộc sống của họ cũng vẫn đảm bảo được.
Nhưng làm rẫy được một thời gian, thấy nhiều người quen ở miền núi phía Bắc phất lên nhờ làm ăn phi pháp và các phi vụ làm ăn qua biên giới, nên Phạm Viết Châu bàn với vợ để gã về quê liên hệ tìm cách làm ăn chứ chỉ làm rẫy không mãi thì cũng không giàu lên được. Mọi kế hoạch và đường hướng làm ăn được Châu vạch ra một cách khá hoàn hảo.
Đối tượng Phạm Viết Châu.
Châu thừa nhận rằng, vào Tây Nguyên làm ăn được một thời gian thấy thanh niên ở các vùng nông thôn dễ dàng dụ dỗ và có thể lôi kéo vào hút chích ma túy, nhất là vào các dịp mùa vụ cà phê. Thế nên Châu nảy ra ý định ra Bắc để móc nối với một số đồng bọn quen biết trước đây, lấy ma túy từ biên giới phía Bắc đưa vào tiêu thụ ở Tây Nguyên.
Theo sự phân công của chồng đồng thời để tránh nghi ngờ của nhiều người, Mai Thị Khuya ở lại Đắk Lắk dưới cái vỏ bọc làm rẫy, nhưng thực chất là đi tìm kiếm và tiếp cận với những người có nhu cầu mua ma túy để lôi kéo trước, thậm chí cho nhiều đối tượng hút thử miễn phí trước. Sau khi có một lượng lớn “khách hàng” thì Khuya điện cho chồng chuyển ma túy vào hoặc nếu Châu bận thì Khuya trực tiếp bắt xe ra phía Bắc để lấy hàng.
Mai Thị Khuya thừa nhận, ban đầu một số người là bạn của Châu nói, cả hai vợ chồng Khuya cứ việc ở Tây Nguyên họ sẽ gửi hàng vào bằng nhiều đường khác nhau nhưng Khuya không yên tâm và muốn buôn tận gốc bán tận ngọn, nên đã để chính Châu trực tiếp làm người cung ứng. Khi không có khách hàng, Châu có thể chuyển hàng vào cho vợ dự trữ sẵn, còn khi cần gấp quá, Khuya có thể đi máy bay ra để lấy hàng ngay.
Đặc biệt cặp đôi này còn bí mật chặt chẽ hơn, khi hầu hết các giao dịch với các “con mồi” đều do Khuya hoặc Châu trực tiếp làm. Châu cũng thừa nhận, do đã thông thạo cách vận chuyển cũng như các mánh khóe để né cơ quan chức năng nên Châu thực hiện các phi vụ của mình khá dễ dàng. Hơn thế nữa, người phân phối hàng lại chính là vợ mình nên càng chắc ăn hơn.
Đối tượng Mai Thị Khuya.
Hàng loạt thanh niên bị đầu độc “nàng tiên nâu”
Sau khi nhận được tin của nhân dân một số huyện vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Đắk Lắk phản ánh, việc có một phụ nữ thường len lỏi qua khắp các buôn làng để bán ma túy. Hàng loạt thanh niên đang khỏe mạnh bỗng bỏ hết ruộng rẫy đi hút chích và trộm cắp vặt. Thông tin này được các trinh sát công an tỉnh Đắk Lắk lưu ý và tiến hành xác minh.
Người phụ nữ lạ ấy chính là Mai Thị Khuya, Khuya được đặt vào tầm ngắm của các trinh sát, mọi hành động của ả đều được theo dõi chặt chẽ. Nhiều người dân vì thương con em mình bị đầu độc nghiêm trọng bởi “nàng tiên nâu”, cũng tham gia theo dõi hành tung của Khuya để cùng cơ quan chức năng truy bắt.
Sau khi đã nắm bắt đầy đủ thông tin và có thể khẳng định người tuồn khối lượng lớn ma túy vào các vùng nông thôn ở Tây Nguyên chính là vợ chồng Mai Thị Khuya. Đầu tháng 5/2015, sau nhiều cuộc điện thoại với chồng, Khuya bắt chuyến xe khách đi nhận hàng từ chồng. Khoảng 8 giờ sáng 20/5, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ đón lõng, bắt gọn Mai Thị Khuya khi thị vừa trên xe khách bước xuống.
Khám xét khẩn cấp hành lý Khuya mang theo, cơ quan điều tra đã thu giữ được khối lượng ma túy lớn. Với khối lượng ma túy này có thể khiến cho hàng loạt thanh niên lao vào con đường nghiện ngập. Quá bất ngờ trước hành động nhanh gọn và chính xác của các trinh sát và trước những vật chứng phạm pháp không thể chối cãi, Mai Thị Khuya đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Anh Ka Khanh, ở Ea H’Leo hối tiếc cho biết: “Mấy năm trước cặp Vợ chồng này chưa rầm rộ buôn bán ma túy vào các vùng nông thôn này, những lao động chính trong gia đình như chúng tôi chỉ biết chăm chỉ làm việc.
Chỉ vì nghe theo lời mời dụ của Mai Thị Khuya thử hút thuốc phiện một lần thôi mà nghiện rồi lệ thuộc vào nó mãi. Rất nhiều thanh niên, lao động chính khác ở các vùng nông thôn này cũng lâm cảnh điêu đứng vì ma túy của bà Khuya”. Ông Ma Thành cũng cho hay: “Thấy quá nhiều thanh niên bỏ hết nương rẫy lao vào con đường nghiện ngập ma túy chúng tôi bức xúc với vợ chồng nhà bà Khuya lắm. Khi biết cặp đôi này bị bắt quả tang với khối lượng ma túy lớn thì dân làng rất mừng”.
Từng buôn cả tiền giả để ăn chơi
Từ những nguồn tin các trinh sát thu thập được cộng với khai nhận của Mai Thị Khuya các trinh sát đã tiến hành bắt khẩn cấp Phạm Viết Châu. Thêm một chi tiết được vỡ lẽ ra là cách đây gần 10 năm, Châu từng là một tên ăn chơi khét tiếng ở đất Tây Nguyên và có tiền án về tội vận chuyển, buôn bán tiền giả.
Châu khai nhận, trước kia việc vận chuyển tiền giả chưa gặp phải sự kiểm soát gắt gao nên thỏa sức ăn chơi. Sau này việc buôn bán tiền giả không còn kiếm ăn được lại phải dính mấy năm tù nên Châu chuyển hẳn sang buôn bán ma túy. Theo Châu tuồn về các vùng nông thôn là cách nhanh kiếm lời nhất, nhất là đối với các tỉnh Tây Nguyên, người dân nhẹ dạ, cả tin chưa hiểu nhiều về tác hại ma túy.
Khi bị truy bắt, Châu toan tính đến việc bỏ lại vợ để tẩu thoát nhưng đã không kịp, gã còn phủ nhận việc là đầu mối cung cấp ma túy cho vợ. Gã thừa nhận, nếu thoát được thì sẽ tiếp tục buôn bán ma túy để lấy tiền chờ ngày vợ ra tù để đoàn tụ. Nhưng trước sự đấu tranh gay gắt của cơ quan chức năng, chính Khuya đã khai ra chồng của mình. Khi bị bắt Châu còn trơ tráo nói: “Ban đầu tôi tính tiếp tục con đường buôn bán tiền giả nhưng ở thị trường Tây Nguyên khó tiêu thụ nên mới bám trụ vào ma túy”.