Mã số định danh chính là số hóa thông tin của công dân trong việc quản lý của cơ quan nhà nước. Cha mẹ của trẻ khi hoàn tất điền thông tin qua phần mềm liên thông một cửa, cán bộ tư pháp sẽ kiểm tra và hỏi lại một lần nữa. Nếu không sửa đổi, dữ liệu được chuyển sang phần mềm của Bộ Tư pháp và Bộ Công an. 2-3 giây sau, hệ thống tự động của Bộ Công an sẽ cấp mã số định danh ngẫu nhiên về phần mềm đăng ký khai sinh tại UBND phường, xã để cán bộ tư pháp hoàn thiện vào giấy khai sinh.
Trong tương lai, khi dự án Dữ liệu cư dân quốc gia được hoàn thiện với việc chia sẻ, kết nối vào kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành, công dân đi giải quyết các thủ tục hành chính chỉ cần cung cấp mã số định danh mà không cần mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân như hiện nay. Cơ quan nhà nước sẽ truy cập từ mã số định danh ra dữ liệu thông tin về công dân cần để phục vụ cho các thủ tục hành chính.
Trả lời báo Vnexpress, ông Hoàng Lợi -Giám đốc Trung tâm quản trị điều hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết hiện 56 trong 63 tỉnh, thành đã cấp mã số định danh cho trẻ khi làm thủ tục khai sinh với hơn 2,6 triệu mã số.
7 tỉnh chưa thể tiến hành do hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu tư pháp chưa được kết nối. Dự kiến sang năm (2020) khi hệ thống cơ sở dữ liệu trên toàn quốc hoàn thiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an triển khai cấp mã số định danh cá nhân cho tất cả trẻ em đăng ký khai sinh trên cả nước.
Theo ông Lợi, thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, nhiều nhóm thủ tục hành chính sẽ được thực hiện theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí.
Ước tính với mã số định danh cá nhân, người dân sẽ không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải sao, chụp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng một năm.