Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tưng bừng khai hội làng Giang Xá, quê hương thứ hai của vua Lý Nam Đế

Trần Huyền
Trần Huyền

Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân, khai hội Giang Xá diễn ra trong sự hào hứng của người dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) và du khách.

Trong lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lý Nam Đế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) vinh dự, tự hào là quê hương thứ hai gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của ông.

Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân; khai hội Giang Xá diễn ra sáng 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại  đình Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

le hoi giang xa (5).jpg
Nghi thức tế, lễ được tổ chức theo đúng nghi thức.

Trong khuôn khổ Lễ hội, các hoạt động văn hoá truyền thống trong phần Lễ được tổ chức theo đúng nghi thức như: tế, lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương.

Các nội dung ở phần hội được đa dạng hoá trong đó đặc biệt có thi đấu cờ người, Tổ tôm Điếm, các trò chơi dân gian...; trưng bày ảnh, tư liệu về di sản; tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức… nhằm phục vụ nhân dân và du khách địa phương đến du Xuân, trẩy hội.

le hoi giang xa (4).jpg
Lễ rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương.

Đã thành truyền thống, hằng năm nhân dân làng Giang Xá tổ chức 4 ngày lễ tại di tích Đình - Đền.

Trong đó, Lễ hội được tổ chức chính hội vào ngày 12 tháng Giêng là ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, lập nên nhà nước Vạn Xuân. 

Ngoài ra trong năm, nhân dân địa phương cũng tổ chức các ngày lễ trọng gồm ngày mùng 10/3 âm lịch là ngày Ngài xuất quân ra trận; ngày mùng 2/5 âm lịch là ngày huý nhật và ngày 12/9 âm lịch là nhớ ngày sinh của Ngài.

le hoi giang xa (3).jpg
Đông đảo nhân dân và du khách tham quan Lễ hội.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trường - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, đây là sự kiện văn hoá quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ hội Giang Xá sẽ diễn ra từ ngày 21 đến hết ngày 23/2 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng Âm lịch) là hoạt động thể hiện lòng tri ân của của nhân dân địa phương đối với công đức của vua Lý Nam Đế cũng như đẩy mạnh các hoạt động quảng bá mạnh mẽ về Lễ hội đến với đông đảo du khách.

le hoi giang xa (2).jpg
Màn Sử thi tại Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân.

Theo sử sách, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, huyện Hoài Đức).

Lý Bí lớn lên có tài văn võ song toàn, lại có chí lớn, ông căm ghét chế độ đô hộ và bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ để khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm...

Sau khi dẹp được quân xâm lược và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.

Ông lên ngôi Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam.

Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544-548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, nên lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây.

Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ toạ lạc tại xã Văn Lương, nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Từ nhiều năm qua, ba địa phương: Phường Tiên Phong - Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nơi sinh của Ngài), làng Giang Xá - thị trấn Trạm Trôi - huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội (quê hương thứ hai và cũng là nơi phất cờ khởi nghĩa) và xã Văn Lương - huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (nơi an táng Ngài) luôn liên hệ mật thiết với nhau...