Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông tiếp tục 'phủ bạt' sau khi lỡ hẹn lần thứ 9

Mặc dù Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, các bên liên quan cố gắng để đưa các đoàn tàu tại đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2019, tuy nhiên, hiện nay, toàn tuyến vẫn vắng hoe, hệ thống nhà chờ quây rào và bị bôi bẩn.

Theo Tiền Phong, trong buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 11/2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang phối hợp với nhà thầu đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành vào cuối tháng 12/2019.

Tuy nhiên, hiện thời điểm cuối tháng 12 trôi qua được 4 ngày, nhưng thực tế trên toàn tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông hiện nay theo ghi nhận, hệ thống đường ray trên cao vẫn vắng tàu hoạt động.

Hệ thống các đoàn tàu và máy móc vận hành cũng đang nằm im trong trong “kho” và phủ bạt thường xuyên. Ảnh: Tiền Phong.

Hệ thống thang máy lên xuống các ga nằm bất động, bên trong các nhà ga tối om, toàn công trường vắng bóng cán bộ, công nhân viên vận hành (trừ bảo vệ). Ảnh: Tiền Phong.

Theo Zing.vn, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của ngành GTVT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Bộ phải làm thế nào để đưa dự án vào hoạt động nếu không người dân sẽ không đồng tình", lãnh đạo Chính phủ nói và cho biết ông đã đi thử tuyến đường sắt này, cơ bản dự án chỉ còn những thủ tục rất nhỏ.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng, hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đầu tư chậm đặc biệt là đường sắt đô thị đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường trong năm 2019.


Hết tháng 12/2019, những chuyển biến tại dự án gần như không đáng kể. Trong 3 tháng qua, Tư vấn độc lập ACT hoàn thành thêm một số báo cáo đánh giá an toàn (từ 6 lên 9 báo cáo) nhưng vẫn chưa đạt đủ 13 báo cáo để hoàn tất khâu đánh giá an toàn.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.