Trang phụ phục nữ Dao đỏ ở huyện vùng cao Chiêm Hóa giữ gìn và bảo tồn. Ảnh KT
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống xen kẽ, trong đó 51,79% là cộng đồng dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Tày chiếm 25,45%; dân tộc Dao chiếm 11,38%; dân tộc Sán Chay (8,0%); dân tộc Mông (2,16%, có 3 ngành); dân tộc Nùng (1,90%); dân tộc Sán Dìu (1,62%). Các dân tộc này thường sống xen kẽ với người Kinh trên toàn bộ đơn vị hành chính của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một số cộng đồng dân tộc thiểu số thường tự tạo ra những thôn, ấp, khu nhà sàn để sinh sống tập trung nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa riêng. Đặc biệt, dân tộc Dao ở Tuyên Quang hội tụ đủ 9 ngành từ Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần chẹt, Dao quần trắng, Dao coóc mùn, Dao coóc ngáng đến Dao thanh y, Dao ô gang, Dao áo dài. Ở Tuyên Quang còn có những nhóm dân tộc ít người (chỉ có trên dưới 5000 người trên phạm vi cả nước) như Pà Thẻn, Lô Lô. Hoặc có cả một số nhóm dân tộc rất ít người (chỉ có trên dưới 2000 người trên phạm vi cả nước) của Việt Nam như: Bố Y; Pu Péo; Cờ Lao.
Theo tài liệu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2013 của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, kết quả cho thấy: bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS) bị mai một hoặc biến đổi nhanh chóng, thậm chí có dân tộc không tìm được các nét văn hóa đặc trưng.
Cụ thể, về trang phục truyền thống: hiện nay, các DTTS trên địa bàn tỉnh nói vẫn sử dụng trang phục của dân tộc mình nhưng chủ yếu là trang phục nữ của người Pà Thẻn (xã Linh Phú); phụ nữ Dao đỏ (xã Trung Hà, Bình Phú), Dao tiền (xã Kim Bình, Tri Phú, Hà Lang); người Mông (xã Tri Phú)... và chỉ được sử dụng vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, cúng bái và biểu diễn văn nghệ, tuy nhiên trang phục của các DTTS hầu như không còn nguyên bản, nhất là vải may trang phục truyền thống trước đây là vải tự dệt, nhuộm chàm hoặc nhuộm bằng củ nâu. Hiện nay, trang phục được may bằng vải công nghiệp bán sẵn, bởi do việc may bộ trang phục truyền thống tốn rất nhiều thời gian và công sức, từ việc trồng bông, dệt vải cho đến khi chế tác thành sản phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng trang phục truyền thống đồng bào cho rằng không tiện lợi trong sinh hoạt.
Tiếng nói trong cộng đồng các DTTS cũng đang đứng trước nguy cơ biến đổi và mai một, bởi do làn sóng văn hóa ngoại lai xâm nhập với hàng trăm các kênh truyền hình giải trí ngày càng tác động sâu rộng và mạnh mẽ vào môi trường sống của đồng bào các dân tộc, làm cho không gian văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của các dân tộc cũng thay đổi theo.
Mặt khác, những người am hiểu về văn hóa truyền thống các dân tộc tuổi ngày càng cao, già yếu, đáng lo ngại hơn là một số dân tộc chưa có ý thức quan tâm lưu giữ, kế tục, sử dụng và truyền dạy cho các thế hệ sau.
Để thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn trang phục, tiếng nói rất cần sự huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng di sản văn hóa các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng cao; đồng thời phát huy vai trò các chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trong huyện, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã rất tích cực phát huy vai trò của tổ chức Hội, chủ động, tích cực trong việc bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức 07 lớp tập huấn "Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia giữ gìn, bảo tồn trang phục, tiếng nói trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" năm 2021 tại 7/7 huyện, thành phố cho 498 cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN 138 xã, phường, thị trấn; Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các CLB "Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Cao Lan" của xã Kim Phú…
Bằng các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu diễn văn nghệ, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chi hội, các hội viên Hội LHPN còn tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực, phục vụ công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; khuyến khích thế hệ trẻ tại địa phương tiếp thu bản sắc văn hóa dân tộc mình; phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy như dạy học tiếng, hát dân ca, dân vũ... cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.