Viện trợ quân sự của Mỹ cuối cùng đã đến Ukraine sau nhiều tháng bị trì hoãn tại Quốc hội. Gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngày 24/4.
Một số quan điểm cho rằng gói viện trợ mới, bao gồm đạn dược và thiết bị có ý nghĩa rất lớn đối với Kiev. Tuy nhiên, một số người chỉ trích Mỹ nên chi tiền cho các ưu tiên trong nội bộ nước này.
Ngân hàng Thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine lên tới hơn 480 tỷ USD, gấp khoảng 8 lần số tiền Quốc hội phê duyệt trong đợt viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ.
Số tiền khổng lồ đó phản ánh thực tế, việc phục hồi sau chiến tranh là quá trình phức tạp và tốn kém. Tuy nhiên, Mỹ cho là nên giúp Ukraine tái thiết ngay cả khi phải chi số tiền lớn.
Xây dựng lại cơ sở hạ tầng
Để đạt sự ổn định lâu dài ở Ukraine đòi hỏi sự phục hồi cả về chính trị, xã hội và kinh tế. Ukraine cần tiền cho mọi hoạt động, từ xây dựng lại bệnh viện, thu hồi đất nông nghiệp cho đến gỡ bỏ bom mìn và mở lại trường học.
Tuy nhiên, trọng tâm của mọi nỗ lực tái thiết sau chiến tranh là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng vững chắc, hoạt động tốt là yếu tố cần thiết để cung cấp các dịch vụ cơ bản như nhà ở, năng lượng và giao thông. Đó cũng là nền tảng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tầm quan trọng đặc biệt của cơ sở hạ tầng chính là lý do khiến cơ sở hạ tầng thường xuyên trở thành mục tiêu trong cuộc xung đột. Phá hủy các nhà máy, cầu đường và cơ sở điện sẽ cản trở khả năng chiến đấu của một quốc gia; đồng thời làm suy yếu khả năng của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản.
Do vậy, mạng lưới giao thông và sản xuất năng lượng của Ukraine đã bị nhắm mục tiêu kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự.
Thiệt hại gây ra với cơ sở hạ tầng của Ukraine rất nghiêm trọng. Cơ sở hạ tầng ước tính 100 tỷ USD đã bị phá hủy chỉ trong tháng đầu tiên của cuộc chiến. Giờ đây, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba, ít nhất một nửa mạng lưới năng lượng và 1/3 mạng lưới giao thông của Ukraine đã bị hư hại do các cuộc tấn công.
Tình hình tiếp tục leo thang. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trong suốt đầu năm 2024 đã nhắm trực tiếp vào việc sản xuất và phân phối điện của Ukraine, làm giảm tới 80% sản lượng của các công ty năng lượng và khiến gần 2 triệu người sống trong cảnh không có điện.
Hệ quả không chỉ là khủng hoảng chính trị và kinh tế mà còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Mất điện cùng với sự hư hại của các cơ sở y tế và giáo dục đã góp phần khiến hơn 13 triệu người phải sơ tán.
Hệ quả nếu không đầu tư
Kết thúc chiến tranh sẽ không chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, do vậy cần có sự đầu tư tích cực. Bất kỳ sự thất bại nào trong việc đầu tư đầy đủ vào quá trình tái thiết đều có nguy cơ khoét sâu thêm xung đột xã hội, đe dọa nền pháp quyền, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ.
Nói một cách đơn giản, việc không sửa chữa được cơ sở hạ tầng của một quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn lâu dài.
Tất nhiên, những người Mỹ phản đối việc chi tiền ra nước ngoài có thể bị thuyết phục bởi những lập luận về lợi ích đối với nền kinh tế Ukraine nhưng họ có thể bị thuyết phục nếu nhận ra những tác động tài chính tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu và chính nền kinh tế Mỹ.
Trong thế giới kết nối sâu sắc hiện nay, sự bất ổn ở khu vực nào đó có thể gây tổn hại cho các quốc gia trên khắp thế giới, đặc biệt khi khu vực đó là Ukraine - trung tâm phân phối năng lượng và sản xuất lương thực, cung cấp 10% ngũ cốc cho thế giới trước khi xung đột nổ ra.
Diễn biến vài năm qua cho thấy những tác động kinh tế và chiến lược rộng lớn hơn của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chiến tranh đã thúc đẩy lạm phát bằng cách đẩy giá năng lượng ở châu Âu tăng cao, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên khắp lục địa và dẫn đến các khoản chi ngân sách khổng lồ để đối phó với những “cú sốc” trong nước.
Ở những quốc gia ít có khả năng ứng phó với những cú sốc này như Ai Cập và Tanzania, giá cả tăng cao đã làm trầm trọng thêm vấn đề mất an ninh lương thực và cản trở sản xuất nông nghiệp địa phương do giảm nguồn cung cấp phân bón quan trọng từ Nga. Do vậy, cần đầu tư đầy đủ vào việc phục hồi sau chiến tranh.
Khuyến khích đầu tư
Việc có được số tiền lên tới gần 500 tỷ USD để tái thiết Ukraine không phải là mục tiêu dễ dàng. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của Ukraine, Liên minh châu Âu đã cam kết hỗ trợ hơn 50 tỷ USD vào đầu năm 2024 ngoài những cam kết trước đó, trong khi G7 hứa cấp thêm 40 tỷ USD.
Những cam kết này rất quan trọng vì viện trợ phát triển chính thức của G7 trung bình khoảng 120 tỷ USD mỗi năm cho tất cả dự án trên toàn thế giới. Một phần số tiền này được dùng cho các nỗ lực trong Quỹ ủy thác viện trợ, phục hồi, tái thiết và cải cách Ukraine của Ngân hàng Thế giới.
Quỹ này tập trung đặc biệt vào việc sửa chữa cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu đường và nhà ở.
Những chương trình này có thể cần thiết cho quá trình tái thiết Ukraine nhưng dường như vẫn chưa đủ. Việc tăng gấp 4 lần cam kết trung bình 120 tỷ USD mỗi năm của G7 vẫn không đủ để tái thiết Ukraine theo ước tính của Ngân hàng Thế giới và không còn nguồn lực cho những khu vực khác trên thế giới.
Một điều đáng chú ý là chính phủ các nước không đủ tài chính, chưa kể ý chí chính trị, để đáp ứng các nhu cầu quan trọng của Ukraine. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp cho vấn đề này. Lựa chọn đầu tiên và khó khăn nhất là chấm dứt chiến tranh vì chi phí tái thiết sẽ tăng lên theo từng ngày xung đột.
Điều này không có nghĩa là phải giải quyết tất cả vấn đề về lãnh thổ mà có thể sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp từ cả hai phía. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp lâu dài và toàn diện, chỉ cần những lệnh ngừng bắn tạm thời cũng có thể hạn chế tối thiểu thiệt hại kinh tế phát sinh.
Việc chấm dứt chiến tranh cũng giúp giảm thiểu rủi ro đang cản trở đầu tư tư nhân ở Ukraine. Đầu tư nước ngoài vào Ukraine đã giảm mạnh 96% từ năm 2021 đến 2022 do sự bất ổn của chiến tranh.
Các cơ quan phát triển của G7 cùng với các ngân hàng phát triển đa quốc gia có thể giảm bớt gánh nặng tài chính bằng cách tích cực đưa ra các thỏa thuận đồng tài trợ và bảo đảm rủi ro bổ sung để huy động khu vực tư nhân.
Biện pháp này có thể giúp thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa những gì Ukraine cần và những gì chính phủ các nước có thể cung cấp.
Các chính phủ NATO không phải gánh chịu mọi trách nhiệm tài chính trong việc tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, việc không huy động thêm hỗ trợ tài chính và khiến Ukraine rơi vào vòng xoáy bất ổn có thể khiến họ phải trả giá đắt hơn nhiều.
Thành Đạt (Theo Conversation)
Báo Lao động và Xã hội số 82