Cồng chiêng của người S'tiêng không chỉ thể hiện qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân diễn tấu mà còn thể hiện trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào. Người S'tiêng cất âm thanh vang vọng qua cồng chiêng là muốn gửi gắm đến các đấng thần linh những niềm vui, hạnh phúc từ lúc chào đời đến dựng vợ, gả chồng… hay cầu xin thần linh ban phước lành, mùa màng bội thu.
Vào cuối tuần hoặc cuối tháng, tại thôn Bình Trung, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đồng bào dân tộc S'tiêng thường tập trung tại nhà văn hóa thôn để đánh cồng chiêng, chia sẻ về kinh nghiệm lao động sản xuất. Và họ còn truyền dạy cho thế hệ con cháu nhằm bảo tồn, phát huy loại nhạc cụ truyền thống này.
Không những ở huyện Phú Riềng, Bù Đốp cũng là cái nôi của nền văn hóa cồng chiêng của tỉnh Bình Phước. Bù Đốp có trên 18% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đông nhất là đồng bào S'tiêng. Người S'tiêng đã sống lâu đời trên địa bàn biên giới Bù Đốp. Vì vậy, cồng chiêng trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần, đồng thời là vật linh thiêng trong mỗi gia đình, trong đời sống cộng đồng của người S'tiêng.
Nhắc đến văn hóa cồng chiêng ở huyện Bù Đốp chắc ai cũng biết đến những cây đại thụ như già làng Điểu Chơn, anh Điểu Nương, chị Điểu Thị Bé… Họ là những người nặng lòng với văn hóa dân tộc, gìn giữ, phát huy giá trị cồng chiêng, ai cũng biết. Họ luôn mang tiếng cồng chiêng vang vọng đến tận rừng sâu; trong các dịp lễ, tết, hội hè.
Đội cồng chiêng thôn Thiện Cư thành lập từ năm 2002, thuộc huyện Lộc Ninh (nay là huyện Bù Đốp). Chị Điểu Thị Bé cho biết: "Mình tham gia đội múa cồng chiêng khi mới 15 tuổi. Khi lễ hội diễn ra ít nhất trước 1 tuần, mình và các bạn trong đội múa lại cùng các anh trong đội cồng chiêng luyện tập. Các điệu múa thường là nhịp làm rẫy, trồng lúa, chăm sóc lúa đến khi mang lúa về… Tất cả phải kết hợp hài hòa với tiếng chiêng".
Qua mỗi lần biểu diễn, các thành viên trong Đội cồng chiêng thôn Thiện Cư đã quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với người dân. Chính từ sự tâm huyết, nỗ lực đó, giờ đây tiếng cồng chiêng của người S'tiêng ở thôn Thiện Cư được gìn giữ, phát huy và hoạt động ngày càng sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.
Hiện nay, người biết đánh cồng chiêng trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ khoảng 20 người. Những người đánh cồng chiêng qua mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng tiếng cồng chiêng của người S'tiêng thì không thể thay đổi, vẫn giữ được linh hồn của nó: "Ngọn lửa của tình yêu, một âm thanh rõ ràng, vang vọng đến tận rừng sâu", chị Điểu Thị Bé cho biết thêm.
Được biết, mỗi đội cồng chiêng có 12 người, trong đó 2 người dự bị, 10 người chính. Đội được chia thành 2 tổ, 1 tổ múa, 1 tổ đánh cồng chiêng; biểu diễn phải kết hợp nhịp nhàng, bởi tổ đánh cồng sai thì tổ múa cũng không múa được...
Ông Điểu Du (76 tuổi) được nghe cồng chiêng từ ông bà, cha mẹ, vì thế tiếng cồng chiêng thấm vào ông lúc nào không hay. Lớn lên ông càng ý thức giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc để tránh bị mai một. Ông hiện là Trưởng ban đội cồng chiêng thôn Bình Trung và là một trong những thành viên năng nổ, đi đầu trong hoạt động biểu diễn, truyền dạy cồng chiêng tại xã.
"Tôi luôn tích cực dạy con cháu đánh cồng chiêng để không được quên truyền thống dân tộc mình. Thời xưa, vào dịp mừng lúa mới, lễ, tết thường hay đánh cồng chiêng. Ngày nay không còn phổ biến như trước, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng duy trì truyền dạy cho lớp trẻ để tiếng cồng chiêng mãi vang", ông Điểu Du chia sẻ.
Thực tế hiện nay cho thấy, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của dân tộc S'tiêng quả không đơn giản. Chị Điểu Thị Bé, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Thiện Cư trăn trở: Hiện chính quyền địa phương chưa mở được lớp tập huấn hay đào tạo bài bản về cồng chiêng S'tiêng vì không có kinh phí. Nhưng thiết nghĩ nếu người dân thôn Thiện Cư nói riêng và người S'tiêng nói chung có niềm đam mê, yêu văn hóa và được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương để những người am hiểu cồng chiêng truyền đạt cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động phong trào thổi hồn cho cồng chiêng chứ không dừng lại ở lễ hội mừng lúa mới. Từ đó nhất định sẽ tiếp tục duy trì sức sống, ngọn lửa tình yêu vang vọng đối với cồng chiêng S'tiêng nơi đây.
Để phát huy và lan tỏa giá trị cồng chiêng, đồng bào S'tiêng nói riêng, các dân tộc nói chung trên địa bàn đều mong muốn được chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí để đội cồng chiêng hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, các hoạt động kết nối để bà con được tham gia biểu diễn sẽ tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho người trẻ duy trì và phát huy. Bà Nguyễn Thị Kim Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Được sự quan tâm của các cấp, ngành huyện, địa phương cũng đã hỗ trợ đội cồng chiêng tập luyện tiết mục để tham gia các hoạt động của xã, huyện. Địa phương cũng rất quan tâm nhu cầu của bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc S'tiêng để gìn giữ bản sắc văn hóa người S'tiêng tại địa phương.
Di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005), sau được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2008).