
Rất đông người dân địa phương cùng người nhà nạn nhân có mặt tại hiện trường tạo sức ép để “bắt vạ” người gây tai nạn. Ảnh: Internet
Dư luận đang băn khoăn vì một tai nạn thương tâm và ầm ĩ
Vụ tai nạn này xảy ra vào lúc11h40 ngày 1/3/2109, tại Km108 + 600, Quốc lộ 4D, thuộc thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, khiến một nạn nhân tử vong tại chỗ. Nạn nhân là Hạng A Câu (15 tuổi, trú tại xã Sa Pả), điều khiển xe máy lưu thông theo hướng Lào Cai - Sa Pa và đâm trực diện vào ôtô 4 chỗ biển số 24A - 029.19 do anh Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, trú thành phố Lào Cai) điều khiển. Nạn nhân và xe máy bị văng ra, va vào xe chở khách biển kiểm soát Hà Nội, lưu thông hướng Lào Cai - Sa Pa (cùng chiều với xe máy); người điều khiển xe máy tử vong, cả xe máy và ôtô hư hỏng nặng.
Sau tai nạn, người nhà nạn nhân và người dân địa phương đã kéo ra đòi anh Nghĩa “bồi thường” 400 triệu đồng mới cho cơ quan chức năng vào để khám nghiệm hiện trường. Vụ việc tại hiện trường vụ tai nạn lộn xộn, căng thẳng, gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D nhiều giờ. Bất đắc dĩ, lại xe phải “tạm ứng” cho người nhàn nạn nhân 200 triệu đồng mới tạm thời thu xếp được vị việc, thông đường cho xe đi.
Vụ tai nạn giao thông này ngoài việc gây chết người thương tâm, còn làm cho dư luận bức xúc vì cách đòi tiền của người nhà nạn nhân và sức ép của dân địa phương gây ra với lái xe. Báo chí thông tin đưa ra nhận định, mạnh xã hội lên tiếng bình luận (có một số thái quá, cực đoan). Lúc này, ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lào Cai, mới cho biết đơn vị sẽ có văn bản yêu cầu công an làm rõ việc, xác định rõ đúng, sai; sau đó sẽ xem xét các vấn đề về bảo hiểm, chế độ chính sách để có hướng giải quyết.
Chắc chắn, vụ việc này phải được các cơ quan chức năng giải quyết rõ ràng, minh bạch, tôn trọng luật pháp để xã hội cảm thấy yên tâm.
Tai nạn giao thông và những phiên tòa: Thực trạng đáng buồn, lo
Mỗi năm, nước ta xảy ra trên dưới 10 ngàn vụ tai nạn giao thông nhưng những vụ việc phải đưa tới tòa án giải quyết rất nhỏ, chưa đến 1/10 tổng số vụ tai nạn. Điều này liên quan tới cách hành xử duy tình của người Việt Nam: Người ta cho rằng, tai nạn là sự rủi ro, không ai mong muốn nên cần giải quyết êm thấm, ai yếu thế thì được an ủi, đền bù. Vì vậy, hầu hết các vụ tai nạn đều được các bên tự thỏa thuận, giải quyết, thậm chí không nhờ đến các cơ quan chức năng can thiệp.
Do các giải quyết tự phát theo hướng duy tình như vậy nên luật pháp không được coi trọng, mà người ta giải quyết theo “nguyên lý”: người đi xe đạp đền cho người đi bộ, người đi xe máy đền người đi xe đạp, người đi ô tô đền người đi xe máy, ô tô to đền ô tô nhỏ. Kể cả những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết người cũng được giải quyết theo “nguyên lý” này. Cách hành xử này đã trở nên quen thuộc và phổ biến. Chưa có ai nghiên cứu, phân tích và chỉ ra những cái lợi, cái hại của cách giải quyết này.
Còn những vụ tai nạn giao thông phải nhờ đến tòa án giải quyết, hoặc là rất nghiêm trọng, hoặc là người gây tai nạn không có khả năng đền bù, hoặc là nạn nhân và gia đình yếu thế bị bên gây tai nạn o ép khiến họ bị thiệt thòi cả về tinh thần và vật chất. Một số trường hợp, người nhà và người quen của nạn nhân không chấp nhận điều này nên quyết làm cho ra nhẽ và những phiên tòa như vậy xảy ra nặng nề trong nhiều năm. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 19/11/2001 trên đường Láng - Hòa Lạc, làm chết 2 nữ sinh Trường Lương Thế Vinh. Vụ án này kéo dài tới mãi năm 2006 mới giải quyết được về cơ bản, tuy phía nạn nhân chưa hoàn toàn đồng ý.
Cần lạnh lùng, nghiêm khắc, chỉ rõ đúng sai trong việc xử lý các vụ tai nạn giao thông mới mong làm giảm mất mát, đau thương do thảm họa này đưa lại.

Các phiên tòa xử tai nạn giao thông luôn rất phức tạp. Ảnh minh họa
Điều gì khiến các phiên tòa xử tai nạn giao thông trở nên phức tạp?
Trước hết, đó là hồ sơ của các vụ án được lập không rõ ràng, thiếu chính xác, thậm chí bị làm sai lệch. Đã có câu “Án tại hồ sơ”, tòa chỉ căn cứ vào hồ sơ và đưa ra quyết định và những quyết định đó nhiều khi lại không thỏa đáng, không đúng bản chất sự việc. Điều này trước hết liên quan đến can sát giao thông, những người khám nghiệm hiện trường, lập hồ sơ. Trong vụ án làm chết 2 nữ sinh trên đường Láng - Hòa Lạc, người ta đã chỉ ra là hồ sơ đã bị làm sai lệch. Điều này xảy ra vì người lái ô tô gây tai nạn là con một quan chức trong ngành công an Hà Nội.
Lý do tiếp theo là vì các phiên tòa chủ yếu chỉ nhằm đáp ứng những đòi hỏi trực tiếp của các bên liên quan, chứ chưa hướng tới mục đích lớn, cơ bản là xác định đúng nguyên nhân gây tai nạn để những người tham gia giao thông soi vào, rút kinh nghiệm. Vị vậy, khi những người liên quan chưa thấy thỏa đáng, họ tiếp tục khiếu kiện.
Để các phiên tòa xử tai nạn giao thông mang lại lợi ích cho xã hội: đền bù thỏa đáng cho người bị hại, đạt được mục đích giáo dục – răn đe, góp phần giảm dần tai nạn giao thông… Hồ sơ vụ án phải chỉ ra được nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn. Phần lớn các vụ tai nạn giao thông hiện nay đều chưa chỉ ra nguyên nhân gây tai nạn. Điều này làm cho các phiên tòa xử tai nạn giao thông rắm rối, không hiệu quả.
Trần Nghiêm/TC GĐ&TE