Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn


Trước đây, chị Ngờ thường cùng chồng đi làm thuê, làm mướn, kể cả đi lượm ve chai ngoài đường để kiếm tiền sinh sống. Mỗi ngày thu nhập của hai vợ chồng khoảng 100-120 nghìn đồng/ ngày, không đủ nuôi 4 đứa con. Nhờ vào nguồn vốn 10 triệu VND được hỗ trợ bởi dự án của Plan, chị Ngờ tự làm nem chả để bán. Nhờ đó thu nhập của chị và tiền chạy xe thồ của chồng tăng lên được 200-220 nghìn đồng/ngày. Nguồn thu nhập ổn định này đã giúp chị chi trả cho cuộc sống thường ngày, các con chị cũng có cơ hội đến trường như bọn trẻ hàng xóm. Thế nhưng, mọi thứ đảo lộn khi giãn cách xã hội được thực thi nhằm khống chế sự lây lan của Covid 19. Việc bán hàng của chị ở chợ và chạy xe thồ của chồng đều phải dừng lại. Không thu nhập, chị buộc phải sử dụng nguồn vốn vay của dự án để mua lương thực cho gia đình: “Không đi làm thì biết lấy gì mà trả tiền vay? Còn mấy đứa trẻ nữa, tương lai của chúng thế nào? ” Đã nhiều đêm chị Ngờ trằn trọc trước viễn cảnh 4 đứa con phải bỏ học để ra đường lượm ve chai kiếm sống như bố mẹ chúng trước đây.

Những món quà hỗ trợ từ tổ chức Plan và các đối tác dự án tuy không nhiều, nhưng thực sự ý nghĩa với chị Ngờ và gia đình trong khoảng thời gian này. Gánh nặng cơm áo cho các con phần nào đã nhẹ bớt, chị Ngờ còn mừng hơn nữa khi biết rằng chị sẽ không phải lo lắng về lãi suất cho khoản tiền vay trong ít nhất 3 tháng tới.

Chị Ngờ là một trong số những người được hỗ trợ vay vốn thuộc khuôn khổ dự án “Vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Plan International Việt Nam cùng đối tác Cycad và Codes triển khai thực hiện. Trong đại dịch Covid -19, những người như chị Ngờ và gia đình, cùng các nhóm người yếu thế trong xã hội khác như người lao động có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo và cận nghèo phải chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Cuộc sống thường ngày vốn bấp bênh, nay lại càng bấp bênh hơn khi nhiều người mất việc làm, không có bảo hiểm y tế cũng như nguồn thu nhập thay thế.

Nhằm hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội ứng phó với đại dịch, trong 3 ngày từ 07 đến 10/04/2020, tổ chức Plan International Việt Nam cùng với đối tác dự án là tổ chức Cycad và Codes đã ủng hộ hơn 66 triệu VND để cứu trợ cho 431 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc 8 phường dự án tỉnh Thừa Thiên Huế. Những gói cứu trợ bao gồm lương thực, thực phẩm khô (gạo, mì ăn liền) đã được trao tận tay cho các hộ gia đình.

Dự án “Một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thừa Thiên Huế” được thực hiện tại Huế từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2020 do tổ chức Plan International và quỹ TUI Care tài trợ với tổng ngân sách 7.5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho trẻ em lao động đường phố cơ hội được tiếp tục đi học, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, gia đình các em được cải thiện sinh kế. Đồng thời hỗ trợ các bạn thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, giới thiệu việc làm, tiếp cận với nguồn vốn nhỏ để tự kinh doanh, kiếm sống.

Em Kim L, 10 tuổi, đang sống cùng năm thành viên khác trong gia căn phòng rộng hơn 15m2 thuộc khu chung cư 5G Hương Sơ, thành phố Huế. Trước đây, cả gia đình em sống ở trên một con thuyền, gia đình lại quá nghèo nên bố mẹ em không thể đăng ký khai sinh cho các con. Từ khi được tái định cư theo chủ trương của chính quyền, bố em làm nghề đạp xích lô du lịch, mẹ em bán vé số tại chợ Đông Ba. Cả hai bố mẹ em thu nhập khoảng 200.000 đồng/1 ngày. Đầu năm 2018, khi giới thiệu dự án và làm việc với người dân thuộc khu chung cư có gia đình em L, cán bộ Codes biết đến hoàn cảnh của em L (khi đó em L sắp 9 tuổi) và nhiều em khác cũng trong tình trạng tương tự. Nếu như các em không kịp có giấy khai sinh trong năm đó, những em năm sau 10 tuổi như L sẽ không còn cơ hội được vào học lớp 1 của trường chính quy nữa. Từ tình trạng của em L và những em khác tại khu tái định cư Hương Sơ, dự án cùng với sự vào cuộc của các bên bao gồm lãnh đạo UBND phường, các ban ngành đoàn thể của phường, công an phường, hiệu trưởng trường tiểu học, cán bộ tư pháp, tổ trưởng, bố mẹ các em,… đã nhanh chóng cùng ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề liên quan tình trạng giấy tờ tùy thân của các em. Một cuộc “chạy đua thần tốc” của địa phương, gia đình và Codes đã được tiến hành, với mong muốn các em có cơ hội được đến trường kịp năm học 2018-2019. Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương và trường học, em L cùng với em trai của mình và 10 em nhỏ khác cùng hoàn cảnh đã được giúp đỡ để nhập học lớp một tại trường tiểu học Hương Sơ. Các em còn được nhận những hỗ trợ khác như học phí, bảo hiểm hàng năm, sách vở và các phương tiện học tập khác. Một tương lai tươi sáng hơn đang đón chờ các em cùng với cánh cửa của trường tiểu học.

L. chỉ là một trong nhiều trẻ em trên địa bàn 8 xã, phường bao gồm An Cựu, Hương Sơ, Kim Long, Lộc Bổn, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Bình và Phước Vĩnh (Huế) được Dự án hỗ trợ. Sau hai năm triển khai, dự án đã tạo được 04 sân chơi cho trẻ em tại 3 phường; Giúp trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp; Giúp phụ nữ nghèo vay vốn và làm kinh tế nhỏ.

Dự kiến, khi kết thúc, 345 trẻ có hoàn cảnh khó khăn (156 em gái và 189 em trai) từ 5 đến 18 tuổi là những em đã nghỉ học và đang làm việc trên đường phố, những em có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại và bạo lực, được tiếp tục đi học. 350 thanh niên (203 nữ và 147 nam), trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi có hoàn cảnh khó khăn (đã bỏ học, từng lao động kiếm sống trên đường phố, thuộc gia đình nghèo, gia đình tái định cư, nạn nhân của nạn buôn bán người, bị ảnh hưởng bởi HIV,…) được học nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm ổn định hoặc có thu nhập từ các mô hình tự kinh doanh nhỏ. 160 cha mẹ (70% là mẹ) của trẻ em lao động đường phố và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn và kiến thức để cải thiện sinh kế hộ gia đình.

Châu Anh/ GĐTE

Tin liên quan