Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vì sao cần bổ sung giọng nói, ADN, mống mắt vào căn cước?

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Bộ Công an khẳng định, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về những quy định áp dụng sinh trắc học, nhưng Luật Căn cước đã được thông qua và hiện nay cần bàn thảo để thực hiện hiệu quả.

 

2.jpg
Mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử đang được cấp trên cả nước (Ảnh minh họa)

 

 

Phục vụ quản lý dân cư và phòng chống tội phạm

Từ ngày 1/7, cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẽ được bổ sung thông tin sinh trắc học ADN, mống mắt, giọng nói.

Thông tin được trao đổi tại Hội thảo lần thứ nhất về đánh giá giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước mới - có hiệu lực từ 1/7 tới.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết quá trình triển khai 3 hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống sản xuất, cấp Căn cước công dân và hệ thống định danh xác thực điện tử đã triển khai được các bước đi cơ bản, đúng với tình hình thực tiễn ở Việt Nam và thế giới.

"Việc triển khai thực hiện các tiện ích công nghệ cho người dân đã được thực hiện đồng bộ xuyên suốt với các ứng dụng, xác thực về sinh trắc, các tiện ích về chip trên thẻ căn cước, về định danh điện tử đã thành công trong việc giảm và rút gọn các thủ tục hành chính và thân thiện với người dân", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư, đấu tranh phòng chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng dẫn chứng thêm, hiện nay trên thế giới nhiều nước tiên tiến đã xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói phục vụ quản lý dân cư và đấu tranh phòng chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân (Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ...)

Việc triển khai cấp thẻ định danh công dân chứa thông tin vân tay, mống mắt, ảnh mặt hay sinh trắc học giọng nói được các quốc gia ứng dụng tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số từ sớm và đã đạt được thành tựu đáng kể.

Ở Việt Nam, đã từng bước tiếp cận, tuy nhiên còn nhiều khó khăn về tính pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin. Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, khi đưa ra những quy định áp dụng sinh trắc học, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, Luật Căn cước đã được thông qua và hiện này cần bàn để thực hiện như thế nào cho hiệu quả.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 cho biết, từ ngày 1/7/2024 khi Luật Căn cước có hiệu lực, về lý thuyết thì nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong căn cước mới.

Theo ông Tấn, qua tìm hiểu từ các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc, đều áp dụng ADN trong căn cước, dữ liệu về ADN.

Cần phù hợp với chi phí, tính thuận lợi và tính bảo mật

Chuyên gia Nguyễn Đức Công (Bệnh viện Thống nhất TP.HCM) cho rằng, áp dụng ADN vào căn cước là giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực phòng chống tội phạm. Ông Công đề xuất việc thu thập gen qua hình thức lấy mẫu máu.

Cũng theo các chuyên gia, việc lựa chọn giải pháp sinh trắc học phục vụ cho cơ sở dữ liệu căn cước cần phù hợp với chi phí, tính thuận lợi và tính bảo mật.

Đây là công việc lâu dài, ảnh hưởng tới toàn xã hội, liên quan đến vị thế khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam. Do đó, chuyên gia cho rằng cần tham khảo thêm giải pháp từ các nước trên thế giới.

bày tỏ sự đồng thuận, ông Nông Văn Hải - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn giải pháp sinh trắc học như nào cũng cần lựa chọn để tính cho phù hợp với chi phí, tính thuận lợi và tính bảo mật.

Theo ông Hải, từ nay tới trước khi Luật Căn cước có hiệu lực thì cần có đề án để phân công rõ ràng về nguồn lực, hội đồng liên quan tới vấn đề đạo đức khi lấy mẫu.

Trong khi đó, về nguồn lực đầu tư thực hiện các giải pháp, ông Hải đề xuất có thể lấy từ ngân sách nhà nước, từ nguồn lực xã hội hóa và nguồn ủng hộ của quốc tế (nếu có).

"Đây là công việc lâu dài, ảnh hưởng tới toàn xã hội, liên quan tới vị thế khoa học công nghệ quốc gia của Việt Nam. Tôi nghĩ cần tham khảo thêm các nước trên thế giới xem họ làm như thế nào", ông Hải nêu quan điểm.

Luật Căn cước số 26/2023/QH15 vừa được thông qua có nhiều điểm mới. Trong đó, điểm d, khoản 1 Điều 16 của luật nêu:

Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh và cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo ông Vũ Văn Tấn, trên thế giới, cũng cho phép chia sẻ dữ liệu về sinh trắc (Hiệp ước châu Âu) trên tinh thần tự nguyện và phục vụ cho công tác tìm kiếm, tội phạm. 

Tại Mỹ, Đạo luật Định danh cũng khẳng định nội dung trên. Tại Việt Nam, Luật Căn cước vừa qua cũng đưa ADN vào trong luật. Nhìn rộng ra, châu Âu cũng cho phép 20 địa chỉ gen vào trong dữ liệu.

Ở Việt Nam đang tiến hành xây dựng 30 địa chỉ gen vào căn cước.