1. Hen phế quản ở trẻ nguy hiểm thế nào?
BS. Nguyễn Hữu Trường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính. Bệnh có thể khiến cho đường dẫn khí của phổi bị sưng và hẹp, tạo nhiều chất nhầy dư thừa, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này nhưng chủ yếu vẫn là do di truyền, môi trường, cơ địa dị ứng… Các triệu chứng thường gặp ở trẻ hen phế quản: Thở rít, thở khò khè, khó thở, tức ngực, thường gặp khi ngủ, lúc gần sáng, nhất là khi trời trở lạnh.
Hen phế quản thường dễ tái phát. Nếu không được điều trị và kiểm soát bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ với nhiều biến chứng: Viêm phế quản, tâm phế mạn, xẹp phổi, tràn khí màng phổi… thậm chí có thể khiến trẻ tử vong.
2. Điều trị dự phòng quan trọng thế nào khi trẻ hen phế quản?
Theo BS. Nguyễn Hữu Trường, điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ là rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng, hen phế quản là do các nhánh phế quản bị co thắt, nhưng các nhà khoa học gần đây lại khẳng định hen phế quản là do yếu tố viêm gây nên. Việc điều trị chủ yếu là tập trung vào các thuốc có tác dụng chống viêm để dự phòng các cơn hen.
Nếu không kiểm soát được tình trạng viêm, hậu quả có thể khiến hẹp phế quản không hồi phục và điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Việc điều trị tập trung vào kiểm soát quá trình viêm và giảm phản ứng quá mức ở đường thở.
3. Các thuốc dự phòng kiểm soát hen
Các thuốc kiểm soát cơn hen thường là: Corticoid dạng hít, các thuốc ức chế leukotriene, thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài.
3.1.Các thuốc corticoid dạng hít
Các thuốc corticoid dạng hít (budesonide, fluticasone, beclomethasone), thường được sử dụng trong điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ, có tác dụng giảm triệu chứng hen, giảm các đợt cấp tính, giảm số lần sử dụng thuốc cắt cơn hen, đồng thời còn giúp cải thiện chức năng phổi... Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ nếu dùng kéo dài hoặc tăng liều.
Do đó, khi dùng nên tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ của thuốc. Nên cho trẻ dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát cơn và có thể cân nhắc giảm liều sau khi đã kiểm soát được cơn hen trong ít nhất 3 tháng liền.
Ngoài ra, cần chú ý khi sử dụng bình hít corticoid. Cách dùng bình hít thế nào cũng là một yếu tố góp phần kiểm soát cơn hen hiệu quả.
3.2 Các thuốc ức chế leukotrien
Các thuốc ức chế leukotriene (montelukast, zafirlukast và zileuton) được chỉ định dùng đơn lẻ trong điều trị dự phòng các trường hợp hen nhẹ hoặc có thể phối hợp với các thuốc corticoid dạng hít với những trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi mắc hen không kiểm soát được bằng corticoid hít, đặc biệt các trường hợp hen có kết hợp với viêm mũi dị ứng.
Thuốc dùng đường uống, khá an toàn cho trẻ, có nhiều hàm lượng khác nhau nên có thể sử dụng dễ dàng cho nhiều nhóm tuổi.
3.3 Các thuốc cường bêta 2 tác dụng kéo dài
Hiện tại, có 2 loại thuốc cường beeta 2 tác dụng kéo dài được sử dụng trong điều trị dự phòng hen phế quản ở trẻ là formoterol và salmeterol.
Thuốc formoterol có tác dụng giãn phế quản nhanh hơn so với thuốc salmeterol. Thuốc formoterol được dùng trong điều trị dự phòng hen ở trẻ lớn hơn 6 tuổi, còn thuốc salmeterol được sử dụng ở trẻ hơn 4 tuổi.
Lưu ý, không nên tăng liều thuốc corticoid dạng hít ở trẻ không kiểm soát được cơn hen với liều dùng corticoid dạng hít đơn lẻ. Nên phối hợp giữa một trong hai loại thuốc formoterol và salmeterol với corticoid dạng hít vì có thể tăng cường hiệu quả kiểm soát cơn hen vừa giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ hoặc nhờn thuốc khi sử dụng thuốc kéo dài.
4. Lưu ý khi dùng thuốc
BS. Nguyễn Hữu Trường nhấn mạnh, để đảm bảo việc dùng thuốc dự phòng hen phế quản ở trẻ an toàn, hiệu quả, cần lưu ý:
Không được tự ý dùng thuốc cho trẻ.Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.Không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.Sau khi sử dụng thuốc nếu có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào cần liên hệ với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.