
Có các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS/ TOEFL iBT/ TOEFL ITP, học sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học phí vài chục triệu/ năm, phụ huynh vẫn chịu chi
Theo khảo sát sơ lược của phóng viên Vì trẻ em, mức học phí cho 1 năm học tiếng Anh của trẻ em nhóm tuổi từ mầm non đến hết bậc THCS (3 - 15 tuổi) có mức giá trung bình từ 10 – 60 triệu/ năm (tùy vào danh tiếng của các trung tâm và tỷ lệ giáo viên người nước ngoài giảng dạy, học online hay offline, cũng như đóng trả góp hay trả thẳng, trả trước 1 năm hay 3 năm…). Với các khóa học luyện thi IELTS/ TOEFL/ TOEIC… hay các lớp học giao tiếp thông thường dành cho học sinh THPT và người lớn, mức học phí có hạ nhiệt hơn một chút, và thời gian các khóa học cũng ngắn hơn, nhưng về cơ bản, học phí không có nhiều chênh lệch.
Với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tính đến hết quý I năm 2023 là 7,9 triệu đồng/ người/ tháng thì việc đầu tư cho con học ngoại ngữ với mức chi phí như trên là không nhỏ.
Chị Minh Huyền, một nhân viên văn phòng cho biết, lương của chị chỉ hơn 8 triệu đồng, thu nhập của chồng chị cao gấp 3 lần vợ, nhưng để trang trải cuộc sống ở Thủ đô thì cả hai phải co kéo lắm mới đủ. Tuy nhiên, chị vẫn quyết định đầu tư cho cô con gái 8 tuổi theo học lớp tiếng Anh trẻ em tại một trung tâm ngoại ngữ gần nhà với mong muốn con được tiếp cận tiếng Anh từ sớm, phát âm chuẩn, có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài, đồng thời có thể hỗ trợ việc học tiếng Anh ở trường của con và đạt kết quả cao trong các kỳ thi lấy các chứng chỉ Cambridge như Starters, Movers và Flyers…
Còn anh Huy Khang, một giám đốc truyền thông cho biết, anh cho con học tiếng Anh với người nước ngoài từ lúc bé mới 5 tuổi. Nhiều người nói, ở tuổi này, trẻ còn chưa biết chữ thì học tiếng Anh làm gì, nhưng điều này là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Bằng chứng là bé nhà anh dù chưa viết được nhưng đã nhận biết được mặt chữ, đọc và nói nhiều từ, câu rất chuẩn. Con có thể tự tin giới thiệu bản thân và một số thói quen, sở thích, miêu tả một số sự vật và hiện tượng bằng tiếng Anh. Anh Khang cho biết, trong thời buổi này không biết tiếng Anh là một trong những rào cản làm giới hạn khả năng tìm hiểu và khám phá thế giới của trẻ, cũng như cơ hội việc làm của thanh niên sau này.

Ảnh minh họa.
Không có điều kiện kinh tế như gia đình chị Huyền hay anh Khang, chị Bích Hạnh chỉ là một tiểu thương nhỏ, buôn bán tạp hóa tại một chợ dân sinh cho biết, bản thân chị hầu như không biết tí gì tiếng Anh nhưng đã mạnh dạn cho cô con gái lớp 11 đi học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ gần trường để con luyện thi IELTS. Nếu có IELTS 6.5 trở lên con sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy đổi thành điểm tiếng Anh 9 hoặc 10 khi xét điểm đầu vào tại một số trường đại học trong nước.
Có thể thấy, ngày nay hầu như các bậc phụ huynh đều nhận biết rõ tầm quan trọng của tiếng Anh, nhất là khi các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS/ TOEFL iBT/ TOEFL ITP được sử dụng để miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tính điểm quy đổi khi xét tuyển đại học.
Nhưng có một câu hỏi đặt ra là: Tiếng Anh (và một số ngôn ngữ khác) hiện nay đang được giảng dạy tại các bậc học từ tiểu học tới THPT, vậy tại sao phụ huynh vẫn phải đua nhau ghi danh cho con theo học tại các trung tâm ngoại ngữ với chi phí đắt đỏ?
Có một thực tế là trình độ của nhiều giáo viên dạy tiếng Anh tại một số trường học chưa thực sự giỏi và bắt kịp các xu hướng mới, nhiều giáo viên lớn tuổi thậm chí còn phát âm không chuẩn, kỹ năng nghe nói không được chú trọng, thời gian giảng dạy không nhiều...
Mặt khác, chương trình giáo dục tiếng Anh ở nhiều trường học không tương thích với các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ mà trẻ cần thi để được miễn thi môn Ngoại ngữ hoặc dùng để xét tuyển đại học trong nước và quốc tế.
Do đó, để giỏi thực sự và có thể thi được các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, học sinh bắt buộc phải tự học thêm ở nhà hoặc tham gia các lớp học khác ngoài trường học.

Một lớp học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ của các em độ tuổi tiểu học.
Nhiều lớp học tiếng Trung, Hàn, Pháp, Đức… cũng bắt đầu thu hút học sinh
Ngoài các khóa học tiếng Anh, hiện nay nhiều bậc phụ huynh hướng cho con tới các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Hàn, Nhật, Pháp, Ðức… Một là, vì các học sinh nếu có chứng chỉ các ngoại ngữ này sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và được tính điểm quy đổi khi xét tuyển sinh đại học giống như môn tiếng Anh. Hai là, phụ huynh nào có ý định cho con đi du học thì cần cho trẻ làm quen với ngôn ngữ nước sở tại, đồng thời trẻ cần thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu của các trường đại học quốc tế.
Tuy nhiên, điểm khác biệt ở các trung tâm này là đối tượng học viên. Nếu như các trung tâm tiếng Anh, đối tượng hướng tới đa phần là trẻ nhỏ, thì ở các trung tâm này, người học thường là học sinh THPT trở lên hoặc người đã đi làm. Số học sinh bậc THCS theo học tại các lớp ngoại ngữ Trung, Hàn, Nhật, Pháp, Ðức… không nhiều, ở bậc tiểu học và mầm non thì hầu như không có.
Lý do có thể vì những ngôn ngữ này không phổ biến như tiếng Anh nên việc theo học đòi hỏi các em học sinh phải thực sự đam mê và quyết tâm.
Phương Anh và Phương Trang cùng là học sinh lớp 10 ở Long Biên (Hà Nội) cho biết, các em đã xin phép bố mẹ cho tới trung tâm ngoại ngữ gần nhà học tiếng Hàn vì cả hai cùng yêu thích đất nước, con người Hàn Quốc và mong ước sau này có thể được đi du học Hàn Quốc. Ðể chuẩn bị cho việc du học, hai bạn cần có chứng chỉ TOPIK 3 trở lên. Cả hai em đặt quyết tâm đến đầu lớp 12 sẽ tham dự kỳ thi TOPIK.
Còn Minh Hằng – một học sinh lớp 11 đang học tiếng Ðức cho biết, con dự định khi nào tốt nghiệp cấp 3 sẽ sang Ðức học nghề. Ðể chuẩn bị hành trang cho việc sinh sống và học tập tại Ðức, Hằng đã học tiếng Ðức từ cuối năm lớp 10.
Cuộc đua ngoại ngữ ngày càng trở nên khốc liệt. Nhiều phụ huynh và học sinh đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ thậm chí còn cao hơn nhiều lần so với chi phí đi học chính của trẻ để cho con theo học ngoại ngữ tại các trung tâm. Và trong cuộc đua này, các học sinh vùng sâu, vùng xa, các tỉnh miền núi dường như thiệt thòi hơn các em học sinh ở các thành phố lớn.
Một trong những lý do khiến cho cơn sốt ngoại ngữ, cơn sốt chứng chỉ quốc tế trở nên “nóng” hơn bao giờ hết là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định miễn thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tính điểm quy đổi nếu học sinh có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định của Bộ.