
Ảnh minh họa.
Bên bờ vực thẳm
Sự cố chấp, thiếu rộng lượng, vô hình trung tự hành hạ mình và ảnh hưởng, hệ lụy đến các thành viên trong gia đình. Vị tha không phải là nhẫn nhịn, chịu đựng, mà vì gia đình, để mở lòng ra, tạo điều kiện cho chồng (hoặc vợ) quay lại cùng mái ấm.
Từ kinh nghiệm sống, ông bà ta khuyên “chín bỏ làm mười” khi vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Từ “vị tha” nghe qua sao nhẹ bỗng, tưởng chẳng có gì, nhưng ngẫm ra nó là “chiếc chìa khóa thần” giữ cho mái ấm bền vững.
Bây giờ thì gia đình Hoa, bạn tôi, đang có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn bao giờ dù họ vừa trải qua một trận sóng gió tưởng không thể hàn gắn.
Vợ chồng Hoa kết hôn đã được 5 năm. Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân, họ sống trong hạnh phúc. Vợ chồng Hoa kết hôn khi cả hai còn trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch, họ làm lễ cưới. Chồng Hoa làm việc ở tỉnh, cô yên lòng với công việc gần nhà.
Đứa con đầu lòng ra đời được tròn năm, Hoa lo lắng khi phát hiện mang bầu bé thứ 2, còn gia đình chồng lại vui mừng vì “có nếp có tẻ”. Sinh con thứ 2, cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng bước sang một ngã rẽ khác. Những gánh nặng về kinh tế, công việc… làm mọi thứ quay cuồng và họ bắt đầu rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Chồng Hoa một phần do công việc, một phần do khó chịu khi vợ hay cằn nhằn nặng nề về mình, anh thấy mình ít được sẻ chia từ vợ. Vợ chồng Hoa lại không biết chia sẻ với nhau và xoay xở cho hợp lý mà ai biết việc của người đó, dẫn đến thường xuyên dằn vặt, gắt gỏng.
Hoa thường trách cứ chồng cô đủ mọi chuyện khi gặp bạn bè, khi ai nhắc đến chuyện gia đình. Nét mặt cô lúc nào cũng cau có, đôi khi biểu hiện sự hằn học, mệt mỏi, trông già đi trước tuổi. Cũng đã không ít lần Hoa mang con về mẹ đẻ, vì giận chồng đi sớm về muộn. Mẹ Hoa bao giờ cũng trách con gái vội vã, nông nổi. Bà lấy ngay chuyện chị gái Hoa để khuyên con, bởi Hà (chị gái Hoa) biết học cách buông bỏ, hỷ xả, vị tha. Cũng chính từ cốt cách, phẩm hạnh đó mà gia đình Hà bao giờ cũng hạnh phúc, rộn vang tiếng cười được bạn bè ngợi khen, học tập.
Mẹ Hoa luôn nhắc nhở, đời sống vợ chồng nên có lòng vị tha, đừng cố chấp. Bà luôn tâm niệm: Trong cuộc sống, không ít đôi vợ chồng cũng chỉ vì thiếu lòng vị tha mà đi đến đổ vỡ. Đối với những đôi vợ chồng trẻ, còn hiếu thắng, bao giờ cũng muốn “ăn thua đủ” hay nổi giận khi vợ (hoặc chồng có lỗi) thì sự vị tha còn cần thiết hơn bao giờ hết. Hãy lắng lòng, bình tâm hành xử một cách bao dung để sẽ thấy mình lớn lên một chút.
Hoa như bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của mẹ, cô không tin những bài học ấy có thể giúp gia đình cô thoát khỏi sự căng thẳng. Hoa sống trong tâm lý phòng thủ, hồ nghi cả những người thân. Nhiều người nghe chuyện của Hoa, buông lời nghiệt ngã: Được đằng chân lân đằng đầu, tội gì phải nhẫn nhịn chịu đựng, chồng thế thà ở một mình cho xong.
Năm thứ 3, vợ chồng Hoa mâu thuẫn đến mức đỉnh điểm, nhìn thấy nhau là vùng vằng, gắt gỏng. Năm thứ 4 thì hôn nhân trở nên nhạt nhẽo, họ không còn quan tâm đến nhau, mặc kệ mọi thứ đang diễn ra.
5 ngày ở biển với chị gái và hai con, Hoa nhận ở chị gái sự chân thành, bao dung, nhất là sự tự tin, cởi mở. Từ chị gái mình, Hoa hiểu bản thân không đáng chán như mình nghĩ và chồng cũng không tệ như mình cố tình lầm tưởng.

Sống tích cực và vị tha, cứu vãn cuộc hôn nhân
Trong giai đoạn khủng hoảng của cuộc hôn nhân, chi gái Hoa khuyên em cùng đi du lịch một chuyến với mình. Cuộc đi này có sự ủng hộ của chồng Hoa. 5 ngày ở biển với chị gái và hai con, Hoa nhận ở chị gái sự chân thành, bao dung, nhất là sự tự tin, cởi mở. Từ chị gái mình, Hoa hiểu bản thân không đáng chán như mình nghĩ và chồng cũng không tệ như mình lầm tưởng. Chỉ khi hiểu được chính mình thì mọi chuyện mới trở nên dễ dàng. Theo chị gái Hoa, những mâu thuẫn trong cuộc sống đều do mình tạo ra rồi tự dày vò khiến bản thân đau khổ và nhiều lúc không kiềm chế được cảm xúc. Không ngần ngại, chị kể ra những xung đột của hai vợ chồng mình mà chị vốn giấu kín mọi người, để hiểu rằng, trong cuộc sống vợ chồng lâu dài, ít nhiều gì cũng có xảy ra những xung đột, lỗi lầm... Đừng buông bỏ ngay vì ý nghĩ chồng là người tệ bạc, phải cho nhau cơ hội để làm người tốt.
Chị gái Hoa chủ động gọi điện và kết nối cho hai vợ chồng Hoa nói chuyện, hỏi thăm nhau. Trong thâm tâm, tự mình, Hoa biết chồng cô xúc động ra sao khi nghe lời nói của vợ ở xa xôi. Rồi chồng Hoa thường xuyên gọi điện.
Khi trở về nhà, chị gái Hoa khéo léo tổ chức bữa cơm thân tình giữa hai gia đình. Bữa cơm vui, Hoa thấy chồng như quên hết những khó khăn, nặng nề trước đây. Giờ đây Hoa trở thành người phụ nữ tự tin, yêu bản thân và biết trân trọng người xung quanh mình.
Hoa bắt đầu thôi “xù lông” sống trong tức giận. Cô san sẻ cùng chồng những công việc mưu sinh mà từ trước anh anh âm thầm gánh vác. Những bữa cơm gia đình đông đủ nhiều hơn. Trước đây, có những việc anh chả bao giờ làm, giờ biết tranh thủ về giúp vợ làm việc nhà, nấu cơm, chăm con. Hoa thấy chồng cũng vô cùng khéo léo chuyện nội trợ, mà trước đây cô nghĩ anh sẽ rất vụng về…
Hơn cả, và may mắn là bạn tôi đã biết nghe, học hỏi, biết nâng niu những gì mình có. Thay vì cứ mãi chìm đắm trong những đau khổ, tuyệt vọng, chúng ta nên dành thời gian và tiền bạc để ra ngoài trải nghiệm, học tập. Khi vượt lên được chính mình theo hướng tích cực, người bạn đời cũng được thay đổi theo.
Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE