Cương trình diễn ra vào tối ngày 19/7, tại Kỳ đài Bờ Bắc - Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Khu vực Vĩnh Linh (25/8/1954 - 25/8/2024) nhằm ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền Nam - Bắc.
20 năm đau thương, mất mát, hy sinh càng cháy lên khát vọng hòa bình, thống nhất non sông trong từng con người Việt Nam, nhất là đồng bào vùng giới tuyến. Đặc biệt, là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam.
Qua đó tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân; phát huy những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam; bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chương trình gồm 2 phần: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận. Trong đó, chương trình nghệ thuật có 5 chương: Những ngày tháng 7; Như không hề có cuộc chia ly; Máu và hoa; Nơi nhìn ra sức mạnh Việt Nam; Đất thép nở hoa.
Trong khuôn khổ chương trình, BTC sẽ trao tặng 10 căn nhà cho các gia đình có công với cách mạng tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng, 500 suất quà tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Vĩnh Linh; trao 300 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Quảng Trị, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; trao tặng 200 chiếc xe đạp cho học sinh tại 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh.
Cách đây tròn 70 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, hòa bình lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, đất nước tạm thời bị chia ra hai miền Nam - Bắc, dự kiến chờ 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩ tuyến 17 được xác định là ranh giới hai miền.
Thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève, ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta và rút quân về bờ Nam sông Bến Hải đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Ngày 25/8/1954 trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh.
Lúc này, Vĩnh Linh là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng nhưng lại bị cắt một phần bao gồm toàn bộ xã Vĩnh Liêm, một phần xã Vĩnh Sơn thuộc phía Nam khu phi quân sự với số dân 13.267 người và 351 đảng viên của ta phải ở lại bám đất, bám dân hoạt động trong lòng địch.
Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định Genève chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự để tấn công miền Bắc XHCN. Cả Vĩnh Linh trở thành tọa độ của bom đạn, của hủy diệt; biết bao đau thương, mất mát mà người Vĩnh Linh phải chịu đựng khi mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom đạn suốt những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.
Vượt lên tất cả mọi hy sinh, mất mát, khó khăn, thử thách, với ý chí "không có gì quý hơn độc lập tự do", quân và dân Vĩnh Linh đã tỏ rõ gan vàng dạ sắt, một tấc không đi, một ly không rời. Ở nơi đầu cầu giới tuyến lũy thép Vĩnh Linh vẫn vững vàng, giữ cho lá cờ vinh quang của Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh cột Hiền Lương, giữ cho mạch máu Bắc - Nam ngày đêm thông suốt nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn anh hùng.
Vĩnh Linh đã cùng với Quảng Trị làm tròn sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó, viết nên dòng son tươi thắm vào trang sử tiến bộ của loài người, làm lay động lương tri nhân loại, xứng đáng với nhiều danh hiệu rất đáng tự hào: "Tiền đồn miền Bắc XHCN", "Mảnh đất kim cương", "Tuyến lửa anh hùng", "Vĩnh Linh lũy thép"...
Duy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 86