Đó là kết luận của đoàn đánh giá chung giữa Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với việc thực hiện Chiến lược khu vực châu Á Thái Bình Dương về các bệnh mới nổi (APSED) và Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), được tiến hành từ ngày 10/5 đến 15/5/2015.
Thông qua Điều lệ Y tế quốc tế, 196 quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đã nhất trí xây dựng năng lực quốc gia nhằm phát hiện, đánh giá, và báo cáo các sự kiện y tế công cộng.
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về đáp ứng tình trạng y tế công cộng khẩn cấp (ảnh MH intrernet)
Bộ Y tế cho biết, dưới sự hướng dẫn của khung Chiến lược khu vực châu Á Thái Bình Dương về các bệnh mới nổi, WHO đã làm việc chặt chẽ với Chính Phủ Việt Nam trong gần một thập kỷ trong việc xây dựng năng lực Điều lệ Y tế quốc tế để có thể đáp ứng và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp như bệnh cúm gia cầm và bệnh do vi-rút Ebola.
Với sự cam kết mạnh mẽ và lãnh đạo từ Chính phủ, cùng sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức hỗ trợ phát triển khác, Bộ Y tế đã củng cố năng lực về dự phòng, phát hiện, và đáp ứng nhanh đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các sự kiện y tế công cộng khác. Kết quả của những nỗ lực này là năm 2014 Việt Nam đã đạt được năng lực tối thiểu để đáp ứng với những tình trạng khẩn cấp theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế.
Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã có những kinh nghiệm đáp ứng với những dịch bệnh mới nổi như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm A(H5N1), và cúm đại dịch A(H1N1) 2009. Những mối đe dọa kéo dài khác như cúm gia cầm A(H7N9) tiếp tục cho thấy Việt Nam vẫn là điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Cuộc đánh giá trong 5 ngày, bao gồm các phiên họp với đối tác, thăm quan thực địa, và việc phân tích công tác chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam đối với dịch bệnh do vi-rút Ebola cũng như đáp ứng với dịch sởi năm 2014 đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc cam kết chính trị và các lĩnh vực giám sát, năng lực chẩn đoán phòng xét nghiệm và lập kế hoạch cho tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Những tiến bộ quan trọng cũng được ghi nhận trong các lĩnh vực khác như đáp ứng nhanh, đánh giá nguy cơ và việc thành lập Trung tâm Điều hành Khẩn cấp để điều phối các hoạt động quốc gia đáp ứng với tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Kết quả đánh giá cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm chính để giúp Việt Nam tiếp tục củng cố và duy trì năng lực quốc gia về y tế công cộng. Việc tăng cường cam kết chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn với cộng đồng quốc tế cũng được nhấn mạnh. Sự tham gia của hai chuyên gia Việt Nam trong hỗ trợ đáp ứng toàn cầu với dịch Ebola ở Tây Phi là minh chứng cho sự cam kết này.
Theo Bộ Y tế, việc đánh giá này giúp cho WHO hiểu rõ hơn về những điểm mạnh và những hạn chế của khung chiến lược hiện tại và định hướng chiến lược tương lai cho việc xây dựng năng lực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tình trạng y tế công cộng khẩn cấp trong khu vực.