Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã bày tỏ quan điểm trước việc làm thế nào để có chính sách bảo hộ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia vào sân chơi thế giới cùng với các hiệp định thương mại được ký kết.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh
Làm lợi cho nước ngoài
Thưa ông trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp kêu là không được bảo hộ nên không có sức cạnh tranh với nước ngoài. Trong khi đó các nhà quản lý thì vẫn khẳng định các chính sách đang dành sự ưu đãi nhất cho các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất. Theo ông tại sao lại có sự nghịch lý giữa quyết tâm của chính phủ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn kêu khó?
Bản thân tôi cũng cảm thấy hoài nghi khi nói vệ sự ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trên thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu thì có ưu đãi về thuế nhưng ngược lại doanh nghiệp sản xuất trong nước lại không nhận được điều này.
Chúng ta vẫn nghe nói nhiều nhưng chưa thấy chính sách nào cụ thể về mặt ưu đãi mặc dù rằng trên nhiều diễn đàn chúng ta đều nghe thấy sự hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng ta phải hiểu rằng nói ưu đãi ở đây người ta sẽ nghĩ ngay đến thuế, vốn và những ưu đãi giá đầu vào. Nhưng hiện nay có thể thấy ngay từ giá điện, xăng – một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhưng mặt hàng này lại là doanh nghiệp nhà nước quản lý và luôn tăng giá bán. Giá điện thì chỉ thấy tăng không thấy giảm cho thấy sự ưu đãi này không có.
Thứ hai nữa là giá xăng dầu. Khi giá dầu thô thế giới vừa giảm, lập tức thuế nhập khẩu xăng dầu tăng, rồi tiếp theo là thuế môi trường được đưa ra.
Cần phải chọn lọc ngành nghề để bảo hộ tránh tình trạng làm tùy tiện
Nếu đã là thuế thì chỉ có thuế trực thu và gián thu nhưng ở đây đánh thuế môi trường đối với xăng dầu thấy vô lý. Nếu gọi là phí môi trường đối với xăng dầu thì nghe còn thấy hợp lý hơn, nhưng đã là phí thì phải thấy được chi cái gì cho bảo vệ môi trường.
Thêm nữa khi giá xăng giảm lập tức các chính sách đưa ra đánh vào thuế nhập khẩu xăng dầu. Và như vậy khi giá xăng thế giới tăng lên thì rõ ràng là doanh nghiệp chịu thêm một khoản đối với xăng dầu nữa.
Điều này nói như nhiều chuyên gia thì ‘rất nguy hiểm’. Nếu nhà nước chỉ tìm cách thu để bù các khoản chi thì ý nghĩa của các chính sách càng ngày càng teo đi.
Những điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong việc nói ưu ái cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước mà chỉ chăm chăm lo thu ngân sách và lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền như xăng và điện.
Có ý kiến cho rằng công cụ hữu hiệu của DN Việt từ xưa tới nay là cạnh tranh bằng mua rẻ, bán rẻ. Nhưng khi chúng ta ký các hiệp định thương mại, thuế suất về 0% thì cách cạnh tranh này không còn hiệu lực. Vậy theo ông doanh nghiệp muốn được bảo hộ để cạnh tranh trong trường hợp này sẽ như thế nào?
Chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang chú tâm vào xuất khẩu, các phương tiện truyền thông cũng coi xuất khẩu là thành tích để mang ra khoe. Khi họ xuất khẩu thuế suất bằng không và được khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Còn đối với doanh nghiệp trong nước làm ra sản phẩm bán cho người dân trong nước thì phải chịu thuế. Trong khi đó thuế lại ưu tiên cho xuất khẩu nên có thể thấy ưu tiên này là dành cho người nước ngoài.
Trên thực tế việc đánh thuế nhập khẩu về lý thuyết là bảo hộ danh nghĩa thông qua công cụ thuế quan. Thường thì cần đưa ra thuế suất đối với các sản phẩm sao cho sản xuất của những ngành có khả năng cạnh tranh được bảo hộ hữu hiệu (ERP) nhưng thực tế cho thấy những ngành có thể cạnh tranh như chăn nuôi, công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi không được bảo hộ hữu hiệu và kết quả thế nào thì đã thấy rồi
Hay như hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam không hoàn toàn là nhập lậu mà còn cả gian lận thương mại và cả rác thải công nghiệp nữa.
Nếu muốn bảo hộ thì phải chống tham nhũng vặt và lợi ích nhóm. Làm tốt vấn đề này còn tốt hơn việc đưa ra chính sách nọ, chính sách kia.
Đừng để nước thứ ba lợi dụng
Trên thực tế vẫn phải duy trì doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đó là nguồn thu, là nguồn việc làm cho người lao động. Nhưng vậy thì nên hỗ trợ hộ như thế nào để doanh nghiệp có thể phát triển? Theo ông mô hình nước nào Việt Nam nên học tập?
Tôi không nghiên cứu kỹ vấn đề này. Song có thể thấy Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ rất tốt nhưng hệ thống luật pháp của họ hoàn chỉnh và việc thực thi rất nghiêm. Còn ở Việt Nam khó để nói áp dụng theo mô hình nào là tốt nhất.
Nhưng như đã nói ở trên tình trạng tham nhũng vặt đang làm nản lòng doanh nghiệp và đôi khi làm mờ nhạt các chính sách khi đưa vào thực tiễn. Vì vậy có lẽ cách tốt nhất đối với Việt Nam là phải chống tham nhũng trước.
Còn việc bảo hộ tùy tiện thì sẽ làm triệt tiêu trong nước. Khi hội nhập rồi các công cụ bảo hộ về thuế không còn, như trong cộng đồng ASEAN không thể bảo hộ được vì đã là cộng đồng kinh tế chung.
Có một điều quan trọng ở đây tôi muốn nói các nhà quản lý phải hết sức tỉnh táo không để nước thứ ba lợi dụng Việt Nam ký các hiệp định FTA để họ hưởng lợi.
Tôi xin ví dụ Trung Quốc xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam và xuất khẩu đi tiếp. Sau một hồi thì các hàng của Trung Quốc lại nhãn mác của Việt Nam và xuất khẩu cho cộng đồng các nước ASEAN mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại. Thế nhưng trong chuỗi giá trị đó phần Việt Nam được hưởng chỉ là công gia công ít ỏi.
Bây giờ làm sao để Việt Nam ký các hiệp định với các nước thì người hưởng lợi phải là Việt Nam chứ không thể là người thứ ba nào đó.
Muốn như vậy không còn cách nào khác thì phải minh bạch và đẩy sức khỏe của doanh nghiệp thông qua phương cách đầu tư công nghệ nếu không thì không thể cạnh tranh được.
Chúng ta phải thoát ra cảnh hoàn toàn gia công, có nền công nghiệp hỗ trợ thì mới mong thay đổi. Phải thay đổi cả cấu trúc kinh tế. Các chính sách cần ủng hộ doanh nghiệp trong nước bán hàng cho nhau, có động cơ làm công nghiệp phụ trợ.
Nếu chúng ta không mạnh dạn làm điều này thì việc ký kết các hiệp định cũng chỉ làm lợi cho nước ngoài thôi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!