Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vinh danh, truyền cảm hứng cho nữ sinh theo đuổi ngành STEM

Trong khuôn khổ dự án STEMherVN, Viện MSD – United Way Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “Em yêu STEM” với mong muốn là sân chơi để các bạn trẻ yêu thích STEM, đặc biệt các bạn nữ có thể sáng tạo và nộp ý tưởng/dự án ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề của xã hội. Sau hơn 1 tháng phát động và triển khai, cuộc thi đã tìm ra 6 đội thi xuất sắc nhất.

Nhóm Just Sign-min

6 đội thi xuất sắc nhất bao gồm:

Giải Nhất: Ứng dụng Just Sign - Giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người điếc: Dự án được đề xuất bởi hai bạn Vũ Diệp Linh sinh viên Học viện Tài chính và Lều Thị Hằng - Sinh viên Đại học Ngoại thương. JUST SIGN là một giải pháp công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho người Điếc với tính năng cốt lõi là phiên dịch từ ngôn ngữ ký hiệu qua ngôn ngữ của người nghe và ngược lại. JUST SIGN hi vọng có thể xóa bỏ rào cản giao tiếp giúp Người Điếc Hòa nhập cộng đồng thông qua giải pháp công nghệ hiện đại nhất.

Bạn Diệp Linh – Sinh viên Học viện Tài chính, tác giả sáng kiến đoạt giải Nhất hào hứng chia sẻ về cách thức ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người Điếc: “Đa số những người Điếc gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến và trong vấn đề việc làm do ngôn ngữ kí hiệu chưa được phổ biến rộng rãi. Chúng em đã nhận ra những vấn đề như vậy và chúng em muốn có một giải pháp để giúp cho người Điếc và người Nghe giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu, và công nghệ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách, giúp cho người Điếc dễ dàng hoà nhập với cộng đồng. Chúng em rất vui khi đạt được giải thưởng, điều này khiến chúng em tự tin rằng phụ nữ cũng có thể theo đuổi ngành nghề STEM.”

Giải Nhì: Ứng dụng OMHA (Our Mental Health Assistance) - Hỗ trợ sức khoẻ tâm thần và Máy tích điểm đổi quà tự động bằng chai nhựa.

Dự án “Our Mental Health Assistance” viết tắt là OMHA là một ứng dụng giúp chăm sóc sức khỏe về mặt tinh thần cho người dùng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Ứng dụng hi vọng có thể giúp người cải thiện được đời sống tâm lý và phụ huynh thông qua đây cũng sẽ có góc nhìn khác về tâm lý con trẻ.

Dự án “Máy tích điểm đổi quà tự động bằng chai nhựa” được đề xuất bởi nhóm các bạn: Nguyễn Bùi Minh Thư, Quan Thanh Nghiệp và Lương Ngọc Long - học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng - Đắk Lắk. Sáng kiến hướng tới hình thành thói quen thu gom chai nhựa của người dân thông qua thiết bị đổi chai nhựa - tích điểm - đổi quà. Thiết bị được thiết kế đơn giản với cảm biến hồng ngoại. Máy được kết nối với ứng dụng trên điện thoại. Khi bỏ 1 chai nhựa vào máy thu gom – tích điểm thì người dùng sẽ nhận được điểm thưởng để đổi lấy các phần quà hay tiền mặt, thay vì phải tích nhiều chai nhựa thì mới có thể mang đi đổi hoặc bán được. Nhóm hi vọng có thể là một giải pháp hiệu quả trong việc thu gom chai nhựa, tái chế và góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

Giải Ba: Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú; Nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện và Thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động.

Dự án “Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú” hướng tới các trường học nội trú và nhằm quản lý học sinh tốt hơn trong những giờ tự học buổi tối (19h-22h). Nhóm xây dựng một thiết bị đo độ ồn, thống kê lại những lớp bị nhắc nhở sau mỗi buổi học. Thiết bị sẽ có hình chữ nhật với bên ngoài là một chiếc loa và màn hình LCD dùng để thông báo nhắc nhở khi tiếng ồn quá mức quy định.

Dự án “Nhà chờ xe buýt An toàn - Thông minh - Thân thiện” hướng tới nhóm đối tượng sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Xuất phát từ những hạn chế hiện nay, nhóm đề xuất sáng kiến về nhà chờ xe buýt với ba tiêu chí: An toàn - Thông minh - Thân thiện. Sáng kiến sẽ cải tạo thiết kế của nhà chờ như: tạo không gian thoáng, tầm nhìn không bị hạn chế từ tất cả các phía, Góc bo tròn, an toàn cho trẻ em, có vị trí dành riêng cho xe lăn và gạch xúc giác dẫn đường cho người khiếm thị, Lắp đặt camera an ninh, chuông báo động, bảng tra cứu cảm ứng, sạc điện thoại, wifi miễn phí, thiết bị đo thân nhiệt, loa thông báo, đèn led cung cấp đủ ánh sáng nhằm đảm bảo an toàn cho những người sử dụng dịch vụ giao thông công cộng. Nhóm hi vọng sáng kiến có thể đảm bảo được an ninh, an toàn cho hành khách cũng như cải thiện được chất lượng dịch vụ giao thông công cộng.

Dự án “Thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động” được đề xuất bởi nhóm học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng - Đắk Lắk. Xuất phát từ thực tế khí hậu tại Đắk Lắk, nhóm đã đưa ra sáng kiến xây dụng thiết bị điều khiển quạt và máy phun sương tự động. Thiết bị sử dụng cảm biến nhiệt độ và độ ẩm để đo không gian trong phòng, cảm biến cập nhật nhiệt độ và độ ẩm liên tục và hiện lên màn hình LCD và tự động điều khiển bình phun sương nhằm giúp cho không gian có không khí thoải mái cho mọi người. Nhóm hi vọng Dự án có thể cải thiện được vấn đề về nhiệt độ và độ ẩm, tận dụng được những vật có sẵn với kinh phí thấp.

20 nữ sinh được tặng học bổng “Em yêu STEM”.

20 nữ sinh được tặng học bổng “Em yêu STEM”.

Cũng tại sự kiện, nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải trên hành trình theo đuổi ngành nghề STEM, Tập đoàn 3M và Viện MSD – United Way Việt Nam đã trao tặng 20 học bổng “Em yêu STEM”, mỗi gói học bổng trị giá 1.000.000 đồng dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và thành tích học tập tốt cũng như tích cực tham gia các hoạt động xã hội.