Trong quá khứ, cái tên "lương y Võ Hoàng Yên" bước từ bóng tối ra ánh sáng, được tôn là "thần y" với "tấm lòng Bồ Tát" có phần đóng góp không nhỏ của truyền thông.
Võ Hoàng Yên và "khói lửa" từ... truyền thông (Ảnh minh họa)
Khoảng 10 năm trước, Võ Hoàng Yên bắt đầu "nổi tiếng" khi được nhiều bài báo tung hô về khả năng có thể chữa được nhiều bệnh nan y, trong đó có cả việc chữa thành công cho người thân của một số nhân vật nổi tiếng. "Ai cũng biết, lương y Võ Hoàng Yên đã chữa bệnh miễn phí cho hàng ngàn người, dù bất cứ ở đâu, ông cũng không nhận tiền, quà của bất cứ ai. Nhiều bệnh nhân ở khắp cả nước được ông chữa khỏi bệnh đã gọi Võ Hoàng Yên là "thần y" dù ông không đồng tình"… - đó là một đoạn của một trong rất nhiều bài báo viết về Võ Hoàng Yên năm 2011.
Nếu quả thực có con người tài năng, nhân hậu và khiêm tốn như vậy thì được mọi người tôn vinh quả là xứng đáng.
Nhưng cho đến lúc này, có lẽ không nhiều người biết được thực hư những ca chữa bệnh "thần kỳ" của con người từng được gọi là "thần y" như thế nào, ngoài những bài báo và thông tin tràn ngập mạng xã hội với rất nhiều lời có cánh. Chỉ đến khi hành vi lừa đảo của ông ta bị bóc trần nhiều người mới... ngả ngửa là do ông Yên dàn dựng cảnh chữa bệnh nan y nhằm đánh bóng hình ảnh, rắp tâm lừa đảo.
Đến lúc này, nhiều người mới đặt dấu hỏi: Suốt hơn chục năm "hành nghề" của ông Võ Hoàng Yên, cơ quan chức năng đã ở đâu? Họ đánh giá thế nào về "năng lực siêu phàm" của con người này?
Gần đây, Sở Y tế Hà Tĩnh mới thừa nhận cấp phép cho trung tâm chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên đi vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện, không có bằng cấp chuyên môn y tế. Hành vi "đặc cách", xé rào này được lý giải là tuân theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Thậm chí, cơ quan chức năng đến giờ vẫn chưa xác định được hiệu quả trong phương pháp chữa bệnh của ông Yên mà chỉ nghe có người bệnh nhận xét một cách cảm tính là "bệnh có bớt" (?!).
Tại tỉnh Bình Phước, ông Yên cũng được UBND tỉnh chỉ đạo Hội Liên hiệp KHKT cho phép được chữa bệnh thực nghiệm trên một số bệnh nhân bất kỳ, cho "triển khai nghiên cứu đề tài khoa học" chữa bệnh câm điếc và bại liệt để có thể áp dụng trong thực tế.
Nhiều địa phương khác cũng từng "chào đón" ông Yên một cách trọng thị. Hoạt động khám chữa bệnh của ông Yên từng nhiều lần xuất hiện trên báo, đài cả trung ương và địa phương càng làm tăng thêm tính xác tín về "tài năng và đức độ" của ông.
Chỉ đến khi ông Yên bị tố cáo lừa đảo mới thấy một số bệnh nhân từng được ông "điều trị" lên tiếng cho biết hiệu quả không như những gì người ta đồn thổi và thực tế không phải ông Yên chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Không ít người trong số đó cho biết, họ tin tưởng vào ông Yên một phần là do tác động từ truyền thông.
Rất có thể một bộ phận truyền thông đã "ăn quả lừa" từ Võ Hoàng Yên. Nhưng dù sao đây cũng là bài học nhớ đời, để tránh lặp lại "lỗi nghiệp vụ" có thể vô tình tiếp tay cho những hành vi bất thiện khác...