Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vụ hotgirl Quỳnh Anh: Cần xem xét trách nhiệm những ai?

"Để đánh giá chính xác trách nhiệm trong quy trình bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh cần xem xét thêm các văn bản có trong hồ sơ bổ nhiệm và quy định về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quyết định", dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Quốc Việt – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Tâm (Luật Đại Tâm) đã đưa ra quan điểm về vụ việc.

 

Ngay sau khi tỉnh Thanh Hoá công bố kết luận thanh tra, việc bổ nhiệm, cử đi học và việc kê khai tài sản đối với “hotgirl xứ Thanh” Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986), nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa, nhiều ý kiến trong dư luận cũng băn khoăn về việc bản kết luận thanh tra này chưa làm rõ được các nghi vấn mà báo chí và dư luận nêu, cũng chưa chỉ rõ được sai phạm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý sai phạm.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Việt, các nội dung công bố về kết luận thanh tra đã thể hiện đầy đủ các nội dung theo quy gồm: Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng Thanh Hóa, đồng thời kết luận về việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở, trong đó nêu được việc Sở đã bổ nhiệm thừa 6 phó phòng, bổ nhiệm một số trưởng phòng, phó phòng chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Việc tuyển dụng bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào công chức là đúng quy định, nhưng bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh giữ chức phó phòng, trưởng phòng khi chưa đủ tiêu chuẩn; Việc cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh nghỉ việc là đúng quy định, nhưng việc quản lý hồ sơ công chức của bà Trần Vũ Quỳnh Anh là không đúng quy định.

 

Bà Quỳnh Anh được bổ nhiệm thần tốc và sở hữu khối tài sản khủng

 

Về băn khoăn kết luận thanh tra chưa nêu rõ biện pháp xử lý đối với các nội dung vi phạm, luật sư phân tích theo quy định của Chương IX Luật cán bộ công chức và các quy định tại Nghị định 34/2011 thì việc xử lý vi phạm đối với cán bộ công chức cần được xem xét (mức độ, hậu quả và thời hiệu) và thực hiện theo các trình tự thủ tục (tổ chức kiểm điểm, thành lập hội đồng kỷ luật) sau khi phát hiện vi phạm. Do đó việc nội dung thông báo kết luận thanh tra chưa có nội dung về biện pháp xử lý cuối cùng – hình thức kỷ luật đến các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vi phạm đã được kết luận là có thể chấp nhận được vì quá trình thanh kiểm tra là khẩn trương và việc công bố kết luận điều tra chỉ sau 6 ngày (không kể ngày nghỉ).

Đồng thời các vi phạm có liên quan đến nhiều cá nhân và tổ chức (quy trình bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ do nhiều cá nhân tổ chức thuộc nhiều cấp cùng tham gia xem xét quyết định) nên cần xem xét đánh giá một cách thấu đáo đầy đủ để xử lý chính xác. Theo quy định của luật công chức và Nghị định 34 thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là không quá 2 tháng kể từ ngày phát hiện vi phạm (có kết luận thanh tra).

Luật sư Việt dẫn chứng, theo quy định của Luật Cán bộ công chức và Nghị định 157 về trách nhiệm của người đứng đầu (theo kết luận thanh tra là giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa giai đoạn 2010-2015), hình thức xử lý kỷ luật sẽ phải chịu cao hơn một mức so với những người trong tập thể lãnh đạo Sở.

“Tuy nhiên, để đánh giá chính xác trách nhiệm trong quy trình bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh cần xem xét thêm các văn bản có trong hồ sơ bổ nhiệm và quy định về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quyết định mới có thể đánh giá đúng và xem xét trách nhiệm đối với từng cấp và cá nhân có liên quan”, ông Việt phân tích.

Luật sư Nguyễn Quốc Việt cũng đánh giá, trong sự việc này, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo thực hiện quá trình thanh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện của cấp dưới ngay khi nắm được thông tin có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quy trình tuyển chọn quản lý sử dụng cán bộ và quá trình kết nạp, đào tạo quy hoạch đối với đảng viên là lãnh đạo. Việc thanh tra này được tiến hành trước khi báo chí có thông tin phản ánh về sự việc.

Đánh giá về quy trình xử lý thông tin vi phạm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, luật sư cho rằng toàn bộ quá trình cho thấy người đứng đầu và tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt chế độ trách nhiệm theo quy định của Nghị định 157 của Chính phủ và Quy định về trách nhiệm xử lý thông tin đối với tổ chức chịu trách nhiệm quả lý của Luật Tổ chức cán bộ; Chủ động thực hiện thanh tra đột xuất để có căn cứ xử lý thông tin và tiến hành công khai kết luật thanh tra. Quá trình xử lý giải quyết được thực hiện nhanh chóng sau 14 ngày (theo quy định của Luật Thanh tra tối đa là 45 ngày) cũng thể hiện tính trách nhiệm cao của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo.

“So với các vụ việc liên quan đến quy trình bổ nhiệm cán bộ được các cơ quan ngôn luận quan tâm trong giai đoạn gần đây, mặc dù chưa gây hậu quả gì về kinh tế hoặc chức vụ của người được bổ nhiệm nhưng vụ việc này đã được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xử lý giải quyết một cách bài bản, đầy đủ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu”, Luật sư Việt cho hay.