Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vượt qua áp lực học tập

Áp lực trong học tập, thi cử là trạng thái mà bất kỳ học sinh nào cũng đã từng nếm trải, nhất là trước những kỳ thi. Phải làm gì để áp lực này không dẫn đến những hệ lụy tiêu cực là điều các học sinh cần lưu tâm.

 
Trẻ em cần có thời gian để vui chơi, thư giãn và cân bằng lại cảm xúc.

Trẻ em cần có thời gian để vui chơi, thư giãn và cân bằng lại cảm xúc.

Dành thời gian thư giãn và cân bằng lại cảm xúc

Khi đã gặp áp lực, điều đầu tiên học sinh, sinh viên cần làm là dành thời gian để thư giãn và nghỉ ngơi. Đây là cách duy nhất để học sinh ngăn cản áp lực “tấn công” tinh thần và thể xác. Sau khi đã cân bằng lại cảm xúc, các em mới đủ tỉnh táo và sáng suốt để tìm cách sắp xếp lại việc học của mình một cách hợp lý.

Một trong những cách để thư giãn hiệu quả nhất chính là xem phim, xem kịch, nghe nhạc, đi du lịch, tận hưởng không khí ở một địa điểm mới.

Chia sẻ và nhờ sự giúp đỡ

Học sinh gặp căng thẳng và lo âu vì áp lực học tập hoặc do nguyên nhân khác, nhưng những suy nghĩ và hành động tiêu cực lại thường đến từ việc trẻ không có ai để chia sẻ hoặc không kịp thời chia sẻ với người khác. Do đó, khi lâm vào trạng thái tiêu cực, hãy mạnh dạn trao đổi, nói về nó với những người xung quanh như: bố mẹ, ông bà, anh chị, bạn bè, giáo viên, nhân viên các tổng đài tư vấn... Chắc chắn trẻ sẽ nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ để có hướng giải tỏa áp lực đó.

Sắp xếp thời gian học tập hợp lý cũng là cách giảm áp lực căng thẳng.

Sắp xếp thời gian học tập hợp lý cũng là cách giảm áp lực căng thẳng.

Giảm tải học tập

Luôn trao đổi với giáo viên, bạn bè, người thân là một cách giải tỏa áp lực, căng thẳng hiệu quả. Trao đổi giúp bạn nhận ra vấn đề của mình để thay đổi. Trao đổi giúp người khác nhận ra vấn đề của bạn để động viên hoặc giúp đỡ khi cần thiết.

Lượng kiến thức ngày càng nhiều khiến học sinh bị áp lực và càng áp lực thì có thể dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Hãy lựa chọn và sắp xếp thời gian những môn học theo năng lực của bản thân, hoặc sắp xếp lại lịch học. Trẻ cũng có thể chia việc học thành các bước nhỏ hơn và giải quyết theo nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.

Không quá áp lực vào điểm số

Điểm số trong các kì thi là yếu tố quan trọng nhưng đừng quá áp lực bản thân với những mục tiêu quá cao và xa. Hãy cứ thoải mái học tập và thể hiện bằng khả năng mình có, cố gắng hết mình đã là thành công rồi!

Học cách quản lý thời gian

Nhiều học sinh cho rằng, học ngày học đêm, dành càng nhiều thời gian học thì kết quả học tập sẽ cao. Điều này đúng nếu như bạn biết cách quản lý thời gian. Ngược lại, nếu học bài theo cách thiếu khoa học thì dễ bị áp lực và tác dụng ngược.

Do đó, hãy lên kế hoạch cho thời gian biểu mỗi ngày để có thể chủ động trong công việc và học tập. Khi thời gian học tập hợp lý sẽ tránh được việc dồn một khối lượng kiến thức trong cùng một khoảng thời gian. Đồng thời, trẻ cũng sẽ sắp xếp được cho mình thời gian hợp lý để thư giãn, nghỉ ngơi.

Tìm hiểu phương pháp học tập mới

Áp lực học tập xảy ra đồng nghĩa với việc phương pháp học tập hiện tại của trẻ không còn phù hợp nên cần tìm kiếm phương pháp học tập mới. Để phù hợp với chương trình học, khối lượng bài học hay thời gian học, trẻ cần tìm ra hướng đi, phương pháp mới từ thầy cô hoặc bạn bè, anh chị lớp trên.

Áp lực có thể là một món quà nếu bạn biết cố gắng để vượt qua.

Áp lực có thể là một món quà nếu bạn biết cố gắng để vượt qua.

Luôn cố gắng

Theo định luật vật lý, chuyển động càng nhanh sẽ tạo ra ma sát càng lớn - Kiểm soát được chuyển động sẽ kiểm soát được ma sát sinh ra. Vậy nên, áp lực sẽ luôn nảy sinh nếu bạn muốn tạo ra một thành quả nào đó. Để tiếp thu được lượng kiến thức ngày càng nhiều và khó, bạn cần phải có nhiều hơn sự cố gắng và nỗ lực để hoàn thành. Áp lực có thể nảy sinh tiêu cực nhưng cũng có thể là một món quà nếu bạn biết cố gắng để vượt qua.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc

Ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc là cách hiệu quả để giảm căng thẳng. Điều này không chỉ giúp trẻ duy trì sự cân bằng trong học tập mà còn tăng hiệu suất học, cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi ngủ đủ giấc, năng lượng được phục hồi và tái tạo lại, tăng cường khả năng tập trung. Cùng với đó, tinh thần và trạng thái tâm lý dần ổn định và thay đổi theo chiều hướng tích cực như vui vẻ, tỉnh táo. Và tất nhiên, trẻ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đối diện với áp lực từ học tập.

Rèn luyện thói quen tập thể dục     

Giải tỏa những áp lực, căng thẳng phát sinh trong quá trình học tập có vai trò rất quan trọng để tránh những ảnh hưởng tiêu cực cũng như nhanh chóng lấy lại tinh thần học tập.

Bên cạnh vấn đề giấc ngủ, thói quen vận động, tập thể dục hằng ngày là điều quan trọng để học sinh giải tỏa áp lực, căng thẳng trong học tập. Khi vận động, cơ thể sẽ sản sinh endorphin làm giảm cảm giác đau mỏi, giúp cơ thể thư giãn và hạnh phúc hơn.

Nếu gặp áp lực, trẻ nên dành ít nhất từ 15-30 phút để tập các bài thể dục chạy bộ, đạp xe, yoga... để xả stress, giảm căng thẳng, lo âu.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể khoẻ mạnh.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể giúp trẻ có một sức khỏe tốt để đối diện với áp lực học tập. Chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh thì sức khoẻ và tinh thần của trẻ dần cải thiện theo chiều hướng tích cực. Điều này giúp giảm áp lực và tạo ra cảm giác kiểm soát, tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày.

Hãy là chính mình

Đừng so sánh với bất kỳ ai vì mỗi người có một năng lực học tập và chịu được áp lực khác nhau. Hãy chủ động đặt ra cho mình một giới hạn và hoàn thành tốt mục tiêu đó để tránh bị áp lực và các tác động tiêu cực đến tinh thần và sức khoẻ. Vượt qua rồi trẻ có thể bước tiếp đến những giới hạn cao hơn tuỳ khả năng. Luôn cố gắng nhưng hãy là chính mình để biết được giới hạn của bản thân.

Tin liên quan