Thông tin trên báo điện tử VOV cho biết, một tỷ lệ rất nhỏ 0,01% trong số những người đã tiêm vaccine đầy đủ tại Mỹ bị mắc Covid-19 sau đó. Đây là kết quả nghiên cứu công bố mới đây của chính phủ Mỹ, một lần nữa khẳng định hiệu quả rất lớn của vaccine trong ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu được tiến hành đối với 101 triệu người đã nhận được đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Kết quả cho thấy, chỉ có 10.262 người (chiếm 0,01%) bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong hai tuần hoặc lâu hơn sau khi nhận được mũi tiêm thứ 2 hay hoặc mũi duy nhất đối với vaccine một liều Johnson&Johnson, 0,0007% trong số này phải nhập viện và 0,0001% tử vong.
Trình tự gen của 5% trong số các ca nhiễm cho thấy biến thể chính gây bệnh là biến thể B.1.17 được xác định lần đầu tiên ở Anh.
Giải thích về khả năng mắc bệnh dù đã tiêm vaccine, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, ngay cả đối với những loại vaccine được chứng minh hiệu quả cao, thì các trường hợp mắc bệnh hiếm gặp vẫn nằm trong dự liệu trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
Gần 164 triệu người, tương đương 50% dân số Mỹ, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 39% được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Vietnamnet đưa tin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang rơi vào tình trạng thiếu kinh phí, khiến nhiều hoạt động bị cản trở.
Cảnh báo trên được Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đưa ra tại cuộc họp thường niên ngày 25/5.
Quan chức này nhắc lại lời kêu gọi của WHO hồi tháng 2 rằng tổ chức cần 1,96 tỷ USD để ứng phó với đại dịch Covid-19 trong năm nay. Ông nhấn mạnh, thiếu hụt ngân sách khiến WHO đứng trước nguy cơ không thể duy trì được các nhiệm vụ cốt lõi.
"Tình trạng thiếu hụt và chuyên biệt hóa nguồn ngân sách có nguy cơ làm tê liệt khả năng của WHO trong việc hỗ trợ nhanh chóng và linh hoạt cho các quốc gia, đồng thời gây ra nhiều hậu quả cho các hoạt động hiện thời", ông Ryan nói.
WHO gặp nhiều khó khăn về ngân sách sau khi Mỹ tuyên bố dừng tài trợ và rút khỏi WHO năm 2020 trong quyết định được Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, đưa ra. Riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho WHO hơn 400 triệu USD, tương đương 15% ngân sách của tổ chức này.
Đầu năm 2021, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược chính sách của ông Trump và đình chỉ tiến trình rời khỏi WHO, khẳng định Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Tổ chức Y tế thế giới.