Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xác thực tài khoản mạng xã hội để dọn sạch không gian mạng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mạng xã hội là ảo nhưng để lại hậu quả thật. Thời gian qua đã có không ít người trở thành nạn nhân từ các tin đồn thất thiệt hay lừa đảo trên mạng xã hội.

Để dọn sạch không gian mạng, Bộ TT&TT đang đề xuất tất cả tài khoản mạng xã hội phải xác thực thông tin.

Ai cũng có thể là nạn nhân

mang xa hoi.png
Mạng xã hội lan truyền thông tin cô gái lây nhiễm HIV cho nhiều người ở Thái Nguyên.

Gần đây, một cô gái ở Thái Nguyên bị kẻ xấu đánh cắp thông tin, hình ảnh, rồi cắt ghép tung tin giả lên mạng xã hội với dòng tít gây sốc: Cô gái lây HIV cho 16 người. Hình ảnh cô gái xinh đẹp cùng danh sách 16 người đàn ông bị lây nhiễm HIV từ cô gái này nhanh chóng thu hút dư luận, thông tin chia sẻ các hội nhóm, trang cá nhân của rất nhiều người. Nạn nhân đang chịu áp lực nặng nề từ các tin đồn thất thiệt và hình ảnh đồi trụy bị gán ghép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Sau khi Công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính một phụ nữ ở TP. Thái Nguyên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, nạn nhân vẫn tiếp tục bị kẻ xấu tấn công tinh thần qua điện thoại và mạng xã hội.

Điều đáng nói, nạn nhân của tin đồn trên mạng xã hội không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, đã có nhiều người bỗng dưng trở thành nạn nhân của tin đồn trên mạng xã hội. Vừa trở về Việt Nam không lâu, cô gái trẻ phải đối mặt với những tin đồn vô căn cứ trên mạng xã hội. Hàng loạt tiêu đề như: "KOL người Việt Nam bị tố là mạo danh bạn gái thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng, còn rục rịch kết hôn" được các trang mạng xã hội lan truyền chóng mặt. Cô gái rất hoang mang, lo sợ khi hình ảnh của mình bị các trang mạng kia sử dụng tùy ý, cắt ghép và bịa đặt câu chuyện gây ảnh hưởng từ cuộc sống đến công việc.

Là nghệ sĩ nổi tiếng, dù quen với việc  luôn phải đối diện những lời đàm tiếu nhưng Hương Tràm rất bức xúc trước những tin đồn sai lệch về mình thời gian qua. Không lựa chọn im lặng nữa, mới đây, nữ ca sĩ đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng đề nghị xác minh, xử lý những trang tin, mạng xã hội đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của cô.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhan nhản hình thức lừa đảo trực tuyến. Theo số liệu từ Bộ Công an, năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó, 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Xác thực tài khoản mạng xã hội để làm sạch không gian mạng

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam có hơn 100 triệu tài khoản mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok… Cùng với sự phát triển đó, tình trạng lừa đảo trực tuyến thông qua các tài khoản mạng xã hội ngày càng tăng. Số liệu từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2023 ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến với tổng số tiền khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Cùng với đó là các tác động tiêu cực từ mạng xã hội như quảng cáo, mua bán hàng giả, livestream nội dung xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác. Việc dùng mạng xã hội lan truyền các tin giả, tin sai sự thật cũng là vấn đề gây nhức nhối, tác động xấu đến xã hội.

Để bảo vệ người dùng mạng xã hội trước vấn nạn lừa đảo và hạn chế được nhiều tiêu cực khác, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Bộ TT&TT bổ sung yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới phải tiến hành xác thực tài khoản người dùng, sử dụng số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản.  

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), việc xác thực người dùng trên mạng xã hội thường được thực hiện qua 3 hình thức gồm email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân (như căn cước công dân). Trong đó, số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam, trong bối cảnh người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động nhiều hơn. Sau quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao năm 2023, hàng chục triệu sim rác và sim không chính chủ đã được xử lý. Đa số mạng xã hội trong và ngoài nước đều yêu cầu người dùng xác thực thông qua số điện thoại. Thống kê cho thấy, các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực bằng email (30%), số điện thoại (30%), còn 40% cho người dùng chọn một trong hai hình thức email hoặc số điện thoại. Ví dụ, Facebook yêu cầu người dùng xác thực qua email hoặc số điện thoại dùng WhatsApp; Youtube và Google không yêu cầu danh tính khi lập tài khoản, nhưng người dùng cần nhập số điện thoại để xác minh, bảo mật hai lớp; Tiktok xác thực qua số điện thoại hoặc email, tùy theo quá trình đăng ký của người dùng…

Ông Trần Quang Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) cho biết, cơ quan quản lý yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng.

TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC cho biết: "Một trong những khó khăn đó là nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay đều do nước ngoài phát triển. Các nền tảng này phần lớn đều dưới sự quản lý của nước ngoài nên sẽ gặp những khó khăn trong việc áp dụng các quy định của Việt Nam để quản lý. Cùng với đó, một số nền tảng mạng xã hội có chính sách chưa phù hợp với các quy định ở Việt Nam".

Theo chuyên gia xã hội, TS Phạm Ngọc Linh, bên cạnh những giải pháp quy định cả về kỹ thuật, pháp lý cần phải chấn chỉnh và xử lý kịp thời những vi phạm trên không gian mạng. Việc xây dựng ý thức cho người dùng là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng không gian mạng xã hội an toàn và văn minh. Đã đến lúc nên tư duy có một danh tính và nhân cách thực sự của chính những tài khoản mạng xã hội đang sử dụng, bởi những hành vi và lời nói trên không gian mạng sẽ gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Tiến trình định danh người dùng trên mạng xã hội đang đến gần. Điều đó đồng nghĩa hàng chục triệu tài khoản ảo sẽ “bay màu”, lượng tài khoản giảm xuống, hạn chế được nạn lừa đảo trực tuyến và các tiêu cực khác.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 96

Tin liên quan
Mất tiền vì tin “bùa yêu”

Mất tiền vì tin “bùa yêu”

(LĐXH) - Rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã tìm mua các loại “bùa yêu” trên mạng xã hội với mong muốn hàn gắn hạnh phúc...