Vì vậy, việc trang bị cho trẻ những kỹ năng và kiến thức đúng đắn về giới tính, sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ mình là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Nguy cơ trên không gian mạng
Chị Lê Nguyễn Phương Linh, một phụ huynh (ở xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) có con gái đang bước vào tuổi dậy thì, chia sẻ: “Việc giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho con luôn là vấn đề khiến tôi quan tâm, lo lắng.
Thời đại công nghệ phát triển, các con có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, về giới tính trên Internet. Tuy nhiên, không phải thông tin nào các con tiếp cận cũng được kiểm chứng, đúng đắn”.
Chị Linh từng tá hỏa khi phát hiện con gái tìm kiếm và có ý định áp dụng một số hướng dẫn vệ sinh vùng kín không đúng trên mạng. Con gái chị có lần còn chia sẻ với mẹ những kiến thức sai lệch trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đang trong thời kỳ dậy thì, thanh thiếu niên có nhiều thay đổi về tâm lý, sinh lý, hành vi và luôn có nhu cầu tiếp nhận, trải nghiệm các kiến thức mới xung quanh sự thay đổi này.
Theo các chuyên gia tâm lý học đường, trong thời đại 4.0, trẻ dễ dàng tìm hiểu thông tin, kiến thức qua các nền tảng mạng xã hội với nội dung đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng đủ kỹ năng để phân biệt thông tin đúng - sai.
Để trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên có kiến thức đúng đắn về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản, đặc biệt là có khả năng ra quyết định và chịu trách nhiệm trước hành vi tình dục của bản thân, rất cần sự quan tâm, định hướng, giáo dục của bố mẹ, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Trong những năm gần đây, nhiều trường học đã tích cực triển khai các chương trình giáo dục giới tính với nội dung và phương pháp giảng dạy sáng tạo.
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Vạn Phúc
(TP Hà Nội), chia sẻ: “Nhiều học sinh thường e ngại khi nói về các vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản. Các em thường tự tìm hiểu thông tin trên mạng thay vì hỏi thầy cô hay cha mẹ.
Để khuyến khích các em chủ động, cởi mở hơn trong vấn đề này, nhà trường đã đưa các chủ đề, nội dung giáo dục giới tính vào giờ sinh hoạt, ngoại khóa; các tiết học có nội dung liên quan đến giới tính được giáo viên sử dụng phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động bằng hình ảnh, video clip để học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, những năm qua, các trường học trên địa bàn thành phố đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục giới tính cho học sinh; triển khai các hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng như tư vấn trực tiếp, tư vấn tại cộng đồng, qua điện thoại, qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…) để tăng hiệu ứng tuyên truyền.
Tạo "lá chắn" để trẻ phát triển đúng hướng
Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, trẻ em có xu hướng được tiếp cận sớm hơn với các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội. Điều này không chỉ đặt ra nhu cầu về việc giáo dục giới tính mà còn yêu cầu các em phải được trang bị thêm kỹ năng an toàn, cả trong đời thực lẫn trên không gian số.
Với đặc tính tò mò, thích tìm hiểu cái mới, nhiều trẻ lên mạng để tìm hiểu về sức khỏe, giới tính và các mối quan hệ, nhưng không phải thông tin nào cũng an toàn. Bên cạnh đó, những nguy cơ liên quan đến quấy rối, xâm hại tình dục, ấu dâm, tình dục không an toàn… trên không gian mạng ngày càng phức tạp.
Do đó, giáo dục giới tính không chỉ dừng lại ở việc giúp trẻ hiểu về sự phát triển của cơ thể, mà còn giúp các em nhận thức và phòng tránh các nguy cơ xâm hại, bạo lực từ đời thực đến môi trường mạng.
Trong gia đình, nhiều bậc cha mẹ vẫn e ngại khi nói về vấn đề giới tính, cho rằng nên đợi đến khi trẻ lớn hơn mới phù hợp để trao đổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giáo dục giới tính cần bắt đầu từ khi trẻ có nhận thức.
Cha mẹ cần cung cấp cho con kiến thức về giới, hành vi đúng đắn và các nguy cơ tiềm ẩn, giúp trẻ nhận diện các tình huống không an toàn và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.
Để sự hướng dẫn, giáo dục đạt hiệu quả cao nhất, cha mẹ cũng cần tạo không gian an toàn và cởi mở để trẻ có thể cởi mở chia sẻ những thắc mắc của mình mà không sợ bị phán xét. Việc giáo dục trong gia đình nên được kết hợp chặt chẽ với những kiến thức từ nhà trường để tạo ra một lá chắn vững chắc giúp trẻ phát triển lành mạnh.
Những chương trình học tập, sinh hoạt bài bản từ nhà trường cộng với sự củng cố và đồng hành từ gia đình, trẻ sẽ có đủ thông tin và tự tin bảo vệ bản thân mình.
Việc giáo dục và đồng hành với trẻ cần đảm bảo một số yếu tố: Cung cấp thông tin chính xác và phù hợp với độ tuổi; xây dựng môi trường học tập cởi mở và không phán xét; tạo ra một không gian nơi trẻ cảm thấy an toàn khi đặt câu hỏi và chia sẻ những thắc mắc của mình mà không sợ bị phán xét.
Chia sẻ về vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ em, PGS.TS, chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình nêu quan điểm: “Chúng ta thà vẽ đường cho hươu chạy đúng đường còn hơn để hươu chạy sai đường. Đây là việc nên làm giúp trẻ hiểu hơn về giới tính và ngăn ngừa vấn nạn xâm hại tình dục.
Lá chắn hữu hiệu nhất giúp trẻ thoát khỏi bạo hành, xâm hại tình dục cũng chính từ kiến thức các em có được và nhận thức của người lớn, gia đình và toàn xã hội về chăm sóc, bảo vệ trẻ em”.
Thanh Ngọc
Ấn phẩm Vì trẻ em số 19