Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà
Công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, tồn tại
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nêu rõ, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được quy định trong văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam (Điều 37 Hiến pháp năm 2013); Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và năm 2019, Việt Nam kỷ niệm 30 năm gia nhập Công ước; Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững có nội dung rất rộng lớn với cách tiếp cận đa chiều. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó có yêu cầu phòng ngừa và giảm đáng kể tình trạng xâm hại, bóc lột, mua bán và tất cả các hình thức bạo lực trẻ em (Mục tiêu 16.2 của Chương trình Nghị sự 2030).
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, tồn tại. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Tính chất của các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thực hiện chưa đầy đủ. Thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em, nguồn lực triển khai không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng, nhân dân quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật...
"Bạo lực đối với trẻ em (BLTE) gây hậu quả nặng nề cho bản thân trẻ em và toàn xã hội. BLTE ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, nhận thức và tình cảm của trẻ, gây ra những vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ có nguy cơ bỏ học, có kết quả học tập kém, có hoạt động tình dục sớm, phải làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên, có các vấn đề về hành vi như trở nên hung dữ hoặc phạm tội khi đã trưởng thành. BLTE cũng gây thiệt hại lớn cho xã hội và phát triển đất nước. Gánh nặng của BLTE, đặc biệt về sức khỏe và cá hành vi nguy hại cho sức khỏe gây thiệt hại 209 tỉ đô -la (gần 2% GDP) trong khu vực Châu Á TBD", bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF phát biểu.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.
Đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm chấm dứt BLTE
Đa số các đại biểu nhìn nhận, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh mạng internet, mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng. Để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, cần thiết phải xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tại Hội thảo này, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế. Đại diện các bộ GD&ĐT, Y tế, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em…cũng chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi và sự vào cuộc của ngành mình trong công tác bảo vệ trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em trình bày các quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống XHTE
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, cần đẩy mạnh hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm chấm dứt BLTE. Khuyến nghị xây dựng Chương trình Quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em cũng được trình bày tại Hội thảo, bao gồm: Cải thiện khung pháp lý, Tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em… Trong đó, mục tiêu cao nhất của Chương trình quốc gia là bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành. Yêu cầu phải có các mục tiêu cụ thể chia theo giai đoạn trước mắt và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; có khung giám sát, đánh giá và có tính toán ngân sách thực hiện.
Kết quả Hội thảo này sẽ góp phần xây dựng cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em; đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong tình hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Việc xây dựng KHHĐQG không chỉ tập trung vào các chiến lược dài hạn hay quá tập trung vào các giải pháp trước mắt; nội dung kế hoạch vừa phải có các giải pháp cho kế hoạch trong 5 năm tới và giải quyết các vấn đề trước mắt liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em".
Toàn cảnh Hội thảo.
- 68% trẻ em từ 1 đến 14 tuổi bị kỷ luật bạo lực
- 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm (75% là xâm hại tình dục)
- 20% trẻ em trai và gái 8 tuổi phải chịu những hình phạt thể chất ở trường học.
Thảo Vân/GĐTE