Những năm gần đây, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực. Trong kết quả này có một phần đóng góp từ mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng.
Cần nhân rộng mô hình
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, hiệu quả thực hiện hoạt động can thiệp giảm hại, xây dựng các mô hình thí điểm, cung cấp, chuyển gửi các dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng, đặc biệt các hỗ trợ về giáo dục, vay vốn, dạy nghề, tìm việc làm cho người bán dâm ở nhiều địa phương đạt những kết quả đáng ghi nhận, cần nhân rộng mô hình để thúc đẩy sự tham gia tích cực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm.
Một số địa phương đã xây dựng mô hình và lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội khác hiệu quả, điển hình như: mô hình nhóm Hạ Long Xanh, câu lạc bộ (CLB) Chúng tôi là phụ nữ Cẩm Phả, CLB Chúng tôi là phụ nữ Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), mô hình "Tiến lên phía trước" do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM thực hiện.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong công tác phòng chống mại dâm, đến nay đã có 15 tỉnh, thành phố xây dựng và duy trì các mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, góp phần tích cực hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Đơn cử như Quảng Ninh, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện nay sở đang đang duy trì và triển khai hoạt động 3 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả.
Đó là mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; mô hình "Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng"; mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Các mô hình này đến nay đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho gần 300 lượt người có nguy cơ mại dâm các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại HIV/AIDS; tiếp cận khoảng 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, các mô hình tích cực tổ chức hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí. Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề giữa chủ cơ sở trợ giúp xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội và nhóm đồng đẳng nhằm tăng cường kết nối dịch vụ…
Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết, các mô hình đều tích cực hướng đến việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu nhất để người bán dâm tái hòa nhập lại cộng đồng, chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.
Tại Hải Phòng, để hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, trong 2 năm (2019-2020), TP Hải Phòng đã được Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương để triển khai thí điểm các mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và Mô hình "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên.
Trong năm 2021-2022, từ nguồn ngân sách địa phương, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục triển khai một số nội dung của mô hình tại quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên…
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện thí điểm mô hình xây dựng các dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng ở TP Hải Phòng, ông Lê Thanh Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, rất cần sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp các dịch vụ trong việc tư vấn, truyền thông, y tế, pháp lý, đào tạo nghề, cho vay vốn, giúp người lao động có việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Các chương trình can thiệp dựa trên quan điểm tiếp cận mới
Tương tự, TPHCM cũng đạt nhiều hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, liên quan đến việc lồng ghép triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại để hỗ trợ người đã từng bán dâm, thời gian qua, tại TPHCM, nhiều mô hình can thiệp giảm hại đã phát huy tác dụng.
Thời gian tới, TPHCM phấn đấu 100% số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội phù hợp; duy trì và nâng cao hiệu quả họat động của các mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, người bán dâm tham gia mô hình được giới thiệu, chuyển gửi, tiếp cận với các dịch vụ về tư vấn pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khoẻ, dạy văn hóa, dạy nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội của địa phương, giúp cho họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng bền vững…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, một trong những vấn đề đặt ra trong công tác phòng, chống mại dâm hiện nay là các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng, chú trọng các hỗ trợ xã hội, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc,...).
Vì vậy, giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu trình Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, chú trọng các giải pháp xã hội để giải quyết vấn đề mại dâm.