Chiếc xe 7 chỗ của anh Lâm luôn đậu trước nhà với tấm biển “Chuyến xe không đồng, tài xế Nguyễn Văn Lâm, biển số xe 37A-944.23, điện thoại 0978123901”. Khi có người gọi, dù đêm khuya hay trời mưa bão, anh đều lập tức lái xe chở người bệnh đến cơ sở y tế.
Thanh Nho là xã miền núi thuộc huyện Thanh Chương. Cuộc sống của người dân cơ bản nghèo khó. Chính vì vậy, việc anh Lâm dùng xe riêng của mình để chở người bệnh miễn phí đi cấp cứu khiến người dân nể phục và biết ơn.

Tâm sự về công việc, anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1968), Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh Nho cho biết: “Với tấm bằng sơ cấp điều dưỡng, năm 1994 tôi vào làm tại Trạm Y tế xã theo diện ưu tiên con liệt sĩ.
Năm 1998, tôi được cử đi học trung cấp điều dưỡng hệ tại chức 4 năm tại thành phố Vinh và tốt nghiệp năm 2002.
Nhằm đáp ứng chuyên môn và phổ cập hóa bằng cấp, năm 2017, tôi tiếp tục học cao đẳng điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y – Dược ASEAN. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh Nho cho đến bây giờ”.
Làm việc tại trạm y tế xã, anh Lâm chứng kiến nhiều trường hợp đáng tiếc do không có xe cứu thương kịp thời, nên anh quyết định bán cả đàn bò để mua xe, làm xe cứu thương 0 đồng.
“Xã Thanh Nho nằm cách trung tâm huyện Thanh Chương gần 20km, cách TP Vinh 70km, nếu xe cứu thương di chuyển đón bệnh nhân chuyển tuyến cũng phải mất khoảng 40 phút, chưa kể trường hợp không gọi được xe, tính mạng bệnh nhân sẽ “ngàn cân treo sợi tóc””, anh Lâm tâm sự.
Anh Lâm kể, hơn 10 năm trước, Trạm Y tế xã Thanh Nho đỡ đẻ cho một sản phụ. Dù sản phụ vượt cạn thành công nhưng nhau thai vẫn không ra.
"Thấy nguy kịch, nằm ngoài khả năng kiểm soát của trạm, chúng tôi gọi xe cứu thương để chuyển sản phụ lên Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương.
Tuy nhiên, do xe cứu thương đang đi đón bệnh nhân khác nên phải 1 giờ sau mới đến được. Nhìn sản phụ đau đớn, kêu khóc, chúng tôi rất sốt ruột nhưng cũng chỉ biết chờ. Rất may, sau khi lên bệnh viện huyện và được cấp cứu kịp thời, sản phụ qua cơn nguy kịch”.
Không được may mắn như trường hợp trên, một sản phụ khác đến trạm sinh nở nhưng lúc chuẩn bị sinh thì bị nhau cài răng lược, thai nhi không thể ra ngoài khiến sản phụ mất nhiều máu.
"Chỉ 30 phút lâm bồn, sản phụ đã không qua khỏi. Ngày đó, ô tô rất hiếm, đường sá đi lại khó khăn, gọi được xe cũng mất cả tiếng đồng hồ. Trường hợp bệnh nhân đó khiến chúng tôi day dứt”, anh Lâm nhớ lại.
Để hạn chế thấp nhất những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra do việc chuyển tuyến bị chậm trễ, anh Lâm nung nấu ý định mua chiếc xe ô tô. Nghĩ là làm, anh thu xếp thời gian đi học lái xe.
Để có tiền mua xe trị giá 350 triệu đồng, anh Lâm phải bán cả đàn bò, gom tiền bán cây keo và vay mượn thêm 200 triệu đồng. Và từ đó xã Thanh Nho có xe cứu thương 0 đồng.
Từ khi có xe cứu thương 0 đồng, anh Lâm chẳng mấy khi thảnh thơi. Ngay cả những chuyến đi du lịch cùng gia đình, bạn bè, anh cũng chẳng dám đi xa vì nếu có bệnh nhân cần cấp cứu, chuyển viện lại không có người lái xe.
Năm 2020, thấy "xe cứu thương 0 đồng" đã xuống cấp, lo ngại nếu đang vận chuyển bệnh nhân mà xe hỏng giữa đường thì nguy hiểm, anh Lâm bàn với vợ bán xe cũ, thêm tiền mua ô tô 7 chỗ trị giá 700 triệu đồng.
Mua xe xong thì bùng phát dịch Covid-19, anh Lâm tình nguyện tham gia phòng chống dịch và dùng xe ô tô chở bệnh nhân, vật tư, nhu yếu phẩm đến những khu cách ly trên địa bàn huyện.
Đến nay, anh Lâm chẳng nhớ mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân nghèo đi cấp cứu, chuyển tuyến; không chỉ hỗ trợ bệnh nhân trên địa bàn xã Thanh Nho, anh còn giúp đỡ nhiều bệnh nhân ở các xã lân cận.
Từ nghĩa cử cao đẹp đó, Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Nho đã dần hình thành Đội xe cứu thương 0 đồng để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân nặng chuyển tuyến.
Ngoài anh Lâm là đội trưởng, Đội xe cứu thương 0 đồng còn có một số tình nguyện viên trong xã sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Hoàng Tùng
Báo Lao động Xã hội số 70