“Siêu xe” ba gác tung hoành đường phố. Ảnh: T.G
Xe tự chế tái xuất trên đường phố
Hiện nay, xe ba gác, xe tự chế hoạt động nhiều ở các tuyến phố có cửa hàng bán đồ gỗ, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng… bất chấp lệnh cấm và nguy hiểm cho người đi đường.
Theo đó, các tuyến phố: Minh Khai, Kim Giang, Đê La Thành, Mễ Trì Hạ... hàng trăm xe ba gác, xe tự chế hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm. Khu vực cầu Dậu nơi giao nhau giữa Kim Giang – Vành đai 3, có đến vài chục chiếc xe ba gác tập kết dưới gầm đường cao tốc trên cao. Những tài xế lái loại xe này già có, trẻ có, nhưng tất cả các xe đều dán mác “Xe thương binh”, đối tượng được sử dụng loại xe này. Họ mắc võng nằm chờ đợi khách gọi. Số điện thoại của lái xe được viết trên thành xe, trên các cột đèn, các trụ bê tông của đường cao tốc… Không khó để người dân có nhu cầu chở đồ liên lạc.
Đây là những xe cấm lưu hành trên đường, bãi tập kết xe ba gác lại gần chốt công an giao thông tại ngã tư Kim Giang – Vành đai 3, nhưng tất cả đều hoạt động bình thường mà không vấp phải một sự cản trở nào từ phía cơ quan chức năng.
Đường Định Công (quận Hoàng Mai), giờ cao điểm người đông nhưng những chiếc xe tự chế chở các tấm tôn, thậm chí là những bó thép dài hơn 10m vẫn ngạo nghễ chạy trên đường mà không gặp bất cứ hình thức xử lý nào.
Tuy bị cấm nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, xe ba gác, xe tự chế chở hàng vẫn được sản xuất và bán bình thường. Một chiếc xe ba gác đời mới có giá từ 20 – 35 triệu đồng tùy loại. Anh Bùi Ngọc T (ở đường Hào Nam, quận Đống Đa) cho biết, anh không biết việc bị cấm cấp phép lưu hành đối với xe ba gác nên cách đây 1 năm, anh mua một chiếc xe ba gác. Theo anh T, khi anh mua xe ba gác trị giá 29 triệu ở xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, phía bán xe không đưa giấy tờ xe. Anh T nói: “Mua xe chở thuê đồ linh tinh kiếm tiền, ai nghĩ đến giấy tờ, giấy phép. Sau này, thấy một số anh em bảo mua xe mới phải có giấy tờ mình cũng giật mình. Nhưng rồi tặc lưỡi cho qua vì xe là sở hữu của mình không ai tranh giành”.
“Lướt” qua lệnh cấm
“Lưỡi hái tử thần’’ sẵn sàng gây họa cho người đi đường.
Theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4/2/2008 của Chính phủ “không cấp phép mới cho lưu hành thêm các loại xe ba bánh”. Thật lạ khi hàng loạt xe ba gác, tự chế mới vẫn chạy bình thường trên đường. Điều đáng chú ý là hầu hết những chiếc xe này vẫn đeo biển số bình thường.
Không chỉ sau 2 vụ tai nạn chết người do xe tự chế gây nên, việc cấm loại xe này mới ban hành. Thực tế, Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định, từ ngày 1/1/2008, toàn bộ xe tự chế 3 bánh, 4 bánh bị cấm lưu thông trên toàn quốc. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nên dù Bộ GTVT đã gia hạn thời gian thi hành đến hết tháng 6/2008.
Từ đó đến nay, không chỉ ở Hà Nội mà tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhiều phương tiện 3 bánh, 4 bánh tự chế vẫn tung hoành ngang dọc trên phố. Các lực lượng chức năng dường như cũng tạm thời “quên” Nghị quyết 32.
Theo Nghị quyết này, chỉ có các loại xe do thương binh, người tàn tật sử dụng mới được phép lưu thông, còn các loại xe cơ giới 3 bánh, 4 bánh tự chế bị cấm lưu thông hoàn toàn. Riêng các loại xe chuyên dùng thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường mới được phép lưu thông hạn chế tại các tuyến đường quy định. Để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện kiếm sống, Nhà nước cũng đã có quy định về việc hỗ trợ cho các hộ có xe 3 bánh, 4 bánh tự chế bị cấm lưu thông và công tác thống kê hỗ trợ này đã hoàn thành từ trước tháng 12/2010.
Rất nhiều biện pháp được đưa ra nhưng vẫn cho thấy sự kém hiệu quả của các cơ quan quản lí trước đội quân “mượn danh thương binh thì nhiều”. Theo thống kê, tại Hà Nội đang có hơn 2.000 xe tự chế. Ngay sau khi thực thi lệnh cấm, Công an TP Hà Nội cũng đã vận động các chủ xe này chuyển đổi phương tiện, ký cam kết không lưu hành, chỉ tạo điều kiện cho thương binh, người khuyết tật sử dụng phương tiện này để đi lại.
Vin vào lý do đó, mỗi lần bị thu giữ xe họ lại chỉ vào cái mác 27/7 dán ở xe để được thông cảm. Hoặc khi bị xử phạt thường chỉ ở hình thức nhẹ, điều này khiến chủ các xe tự chế “nhờn luật”. Chính vì vậy họ cứ mặc nhiên vi phạm trước sự bất lực của CSGT và sự bức xúc của người đi đường.
Tìm hiểu về thị trường xe 3 bánh, chúng tôi đến một cửa hàng sửa xe 3 bánh trên phố Mai Động. Chủ cửa hàng vừa hàn xì một bộ khung sắt cho chiếc xe mới vừa nói: “Có hình ảnh các mẫu xe ở trên mạng, máy gì cũng có, đặt tiền 1 tuần sau có hàng”. Sau khi lấy xe về cửa hàng sẽ tiến hành độ khung sắt, giá mỗi bộ khung sắt khoảng 15 triệu đồng. Tất nhiên, xe cũng không có bất cứ loại giấy tờ nào. Hiện, đường phố Hà Nội xuất hiện loại xe 3 bánh rất mới, đóng khung chắc chắn hơn, có biển kiểm soát từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định...
Theo Hà Dương Thành (Giadinh.net.vn)